Năm 2022: Giáo dục nghề nghiệp tăng tốc thực hiện chuyển đổi số
(Dân trí) - Năm 2021 là năm khởi động của giáo dục nghề nghiệp và năm 2022 sẽ là năm tăng tốc, đột phá bằng chuyển đổi số để xoay chuyển toàn ngành.
Sáng nay 18/1, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị Triển khai nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp năm 2022. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Kinh phí đầu tư phát triển hệ thống sẽ tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020
Tại hội nghị, bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp thông tin, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 là 31.420,703 tỷ đồng tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Theo bà Nhàn, tổng số vốn đầu tư sẽ được phân bổ vào các chương trình, dự án, tiểu dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, 2.000 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng 3 Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Quảng Ngãi), miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).
27.920,703 tỷ đồng sẽ đầu tư cho các Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG). Trong đó gồm, 15.300 tỷ đồng cho tiểu dự án "Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn" CTMTQG giảm nghèo bền vững và 12.620,703 tỷ đồng với Tiểu dự án "Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi". Cuối cùng là hoạt động "Nâng cao chất lượng cho đào tạo nghề cho người lao động nông thôn" thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới với 4.200 tỷ đồng.
Ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ pháp chế thanh tra, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Tổng cục sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng thể chế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Trong năm 2022, Tổng cục GDNN chỉ đăng ký xây dựng 11 văn bản trong chương trình chính thức gồm: 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 1 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng và 7 Thông tư của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
"Thể chế sẽ ưu tiên vào chỉ thị của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển GDNN trong tình hình mới, một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GDNN; một số thông tư về nhà giáo để triển khai đột phá trong Chiến lược phát triển GDNN", ông Thắng nhấn mạnh.
Xây dựng mô hình Tổng cục với bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Theo ông Nguyễn Quốc Huy - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục GDNN, năm 2022 Tổng cục sẽ xây dựng mô hình Tổng cục với tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đội ngũ công chức đảm bảo về số lượng và cơ cấu để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Huy cho hay: "Để thực hiện tốt, hiệu quả chiến lược phát triển GDNN, Tổng cục sẽ kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục đồng bộ, hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, đảm bảo năng lực đào tạo. Hình thành mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao; đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Trong chương trình công tác năm 2022 của Tổng cục cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực, tạo bước chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý".
Đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới của GDNN, khối lượng công việc càng nhiều, đòi hỏi chất lượng công việc càng cao, năm 2022, đối với công tác cán bộ, Tổng cục GDNN tuyển dụng, tiếp nhận công chức chuyên môn nghiệp vụ cho các Vụ, đơn vị còn thiếu theo hướng dẫn, phân cấp của Bộ, đảm bảo số lượng công chức trong số biên chế được giao.
Cơ hội đột phá
Tại hội nghị, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp thích ứng với thị trường.
Trong năm 2021, Tổng cục đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: SunGroup, Vingroup, Grab, Phú Thái Holding... Bên cạnh đó, hiện hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến như Daikin, Denso, Panasonic, Sun Group, Mường Thanh, FPT, Tập đoàn Dệt May...
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang có rất nhiều thuận lợi để có thể đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Giáo dục nghề nghiệp cũng đã tiếp cận được nghề nghiệp kỹ năng của Châu Á và Thế giới, ASEAN. Ngoài ra, sự nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, phụ huynh, học sinh, sinh viên đã hoàn toàn mới. Đội ngũ nhà giáo cũng đã dành rất nhiều sự tâm huyết cho sự nghiệp GDNN", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đề cập một số thách thức như mạng lưới của GDNN vẫn chưa có sự phân bổ đều, nhiều nơi có rất nhiều ngành nghề giống nhau; đội ngũ nhà giáo vẫn còn bỡ ngỡ với chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập vẫn còn khó khăn nhất định và tiến độ triển khai chậm như sáp nhập, giải thể trường. Cơ chế đào tạo gắn liền với doanh nghiệp nhưng chưa rõ nét.
Chuyển đổi số - ưu tiên hàng đầu để bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng khẳng định: Năm 2022, Tổng cục GDNN tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo thích ứng linh hoạt và tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu trình độ lao động để bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể được đề ra trong năm 2022 sẽ tuyển sinh tăng 10% so với số thực hiện năm 2021. Cả nước sẽ có 2.249.500 người tốt nghiệp trong lĩnh vực GDNN. Trong đó, trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 501.500 người; trình độ Sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.748.000 người.
Dự kiến năm 2022 có khoảng 1.877 cơ sở GDNN (trong đó: 409 trường Cao đẳng; 438 trường Trung cấp và 1.030 Trung tâm GDNN), số cơ sở GDNN Công lập là: 1.184, giảm 4% so với năm 2021 (là 1.221 cơ sở) và số cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm khoảng 37%.
Để triển khai Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục đã tổng hợp, xây dựng chương trình công tác năm 2022 lĩnh vực GDNN với 3 nhóm chỉ tiêu, 3 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là:
Thứ nhất, triển khai đồng bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp trong GDNN.
Cuối cùng là thực hiện chuyển đổi số trong GDNN theo Quyết định 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý.
Giáo dục nghề nghiệp tăng tốc
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2021 là năm khởi động và năm 2022 sẽ là năm tăng tốc của giáo dục nghề nghiệp. Đột phá trong năm nay sẽ là chuyển đổi số, xoay chuyển toàn ngành.
Theo Bộ trưởng, để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tập trung chuyển đổi số là việc hết sức đúng đắn.
"Việc kết nối doanh nghiệp với giáo dục nghề đã có sự chuyển biến rõ rệt nhưng chưa đáp ứng tốt được yêu cầu của xã hội. Do đó, giáo dục nghề nghiệp cần phải gắn kết với thị trường lao động, gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý thêm.
Muốn thực hiện được những phương hướng đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH lưu ý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đầu tư cho thể chế, hoàn thiện toàn bộ nội dung thể chế: quy hoạch hệ thống, các kế hoạch chuyển đổi số, đầu tư về con người, cơ sở vật chất; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường.
Đồng thời, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo theo nhu cầu thị trường, đơn đặt hàng để cung - cầu gặp nhau; cần quan tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra.