Trường “làng” sinh thủ khoa

Danh sách những thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30, danh hiệu thủ khoa trong kỳ thi ĐH - CĐ vừa qua khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi được biết nhiều em không thuộc diện “trường điểm”. Câu chuyện này hẳn sẽ làm thay đổi tư duy về... trường chuyên, lớp chọn.

Trường THPT Nam Khoái Châu không phải là trường có danh tiếng của tỉnh Hưng Yên, nhưng kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, trường đã có cô học sinh xuất sắc Hoàng Thị Lụa đạt điểm 30 - thủ khoa của Trường ĐH Thuỷ lợi.

 

Sinh ra trong gia đình nông dân, sau giờ lên lớp, Lụa vẫn phải cùng bố mẹ làm công việc đồng áng, việc gia đình. Kết thúc năm học, không ít bạn của Lụa khăn gói lên thủ đô vào các lò luyện thi. Riêng Lụa thì không, em chỉ học lớp ôn thi, do các thầy cô trong trường tổ chức một buổi trong ngày.

 

Lụa cho biết, em không bao giờ học theo kiểu “vùi đầu” vì như vậy rất mệt mỏi, luôn bị ức chế.

 

Thủ khoa của Trường ĐH Dược (Hà Nội) - Đoàn Đức Anh lớn lên bằng gánh cháo nhỏ của mẹ. Ngôi trường của Đức Anh theo học cũng thuộc diện không có tiếng tăm của tỉnh Nam Định và em cũng không có điều kiện kinh tế để được “thử lửa” tại các lò luyện thi có tiếng ở đất Hà thành.

 

Bí quyết đạt danh hiệu thủ khoa của Đức Anh rất đơn giản, học và làm hết bài thầy cô giao cho, bài nào không hiểu, Đức Anh mày mò tìm cách giải bằng được, dù có thể mất mấy ngày.

 

Chúng tôi tìm đến Trường THPT Liên Hà của huyện Đông Anh ( Hà Nội), một lớp có tới ba cô nữ sinh đậu điểm cao vào Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), trong đó có nữ thủ khoa Đào Thu Thuỷ.

 

Chúng tôi không khỏi giật mình vì ngôi trường của Thu Thuỷ học nằm trong “top” có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 khá thấp của năm học 2006-2007 (37,5 điểm). Trong khi những trường có danh có tiếng của đất Hà Nội - là điểm nóng trong mỗi mùa tuyển sinh bởi cuộc chạy đua của nhiều phụ huynh học sinh - như THPT Chu Văn An, Thăng Long, Kim Liên, Việt-Đức... cũng “vượt” trường “làng” của Thu Thuỷ hơn cả chục điểm.

 

Thuỷ nói: “Quan điểm của em không cứ phải vào học trường nổi tiếng mới thành giỏi”. 

 

Trường THPT Nguyễn Hữu Huân thuộc huyện ngoại thành TPHCM cũng có tới hai thủ khoa. Nữ sinh Dương Ngọc Cảnh đúng là một học sinh nghèo vượt khó, không thành công từ lò luyện mà thành công từ chính nghị lực và phương pháp học của mình.

 

Riêng lớp “trường làng” của Ngọc Cảnh có 48 bạn thì có 40 bạn đỗ đại học, lớp của thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TPHCM - Nguyễn Minh Thiện có 50 bạn thì 40 bạn cũng đậu đại học năm nay.

 

Có được trong tay danh sách 37 thí sinh đạt điểm 30 (sau khi làm tròn) và 14 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30, chúng tôi phải gọi điện tổng đài các địa phương để xác định trường mà các thí sinh đạt điểm xuất sắc như vậy có phải là trường chuyên, trường điểm...

 

Tổng đài 1080 của Vĩnh Phúc cho biết Trường THPT Yên Lạc - có TS Phạm Văn Đức đạt 30 điểm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ là trường THPT của huyện.

 

Tương tự, Trường THPT Gia Bình 1- Bắc Ninh cũng là trường của huyện, hoặc Trường THPT Nhị Chiểu (Hải Dương - trường có TS Lê Đoan Trang đạt 30 điểm vào Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng là trường của huyện Kinh Môn...).

 

Thí sinh Võ Tấn Đạt - thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng chỉ là học sinh trường “làng” của thị xã Cao Lãnh - Đồng Tháp.

 

Theo L.Huân, T.Uyên, T.Ân

Lao Động