Bí quyết của các thủ khoa “tuyệt đối”
Khi được hỏi về bí quyết học tập để trở thành thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, tất cả họ đều nói đến khả năng tự học, đào sâu suy nghĩ và không một ai nghĩ tới chuyện đến lò luyện thi.
Đó là chia sẻ của Đào Thị Thu Thủy - Thủ khoa ĐH Ngoại thương; Hoàng Thị Lụa - Thủ khoa ĐH Thủy lợi; Nguyễn Thị Như Trang - Thủ khoa ĐH Kinh tế quốc dân; Vũ Minh Long - Thủ khoa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đoàn Đức Anh - Thủ khoa ĐH Dược Hà Nội.
Ngoài ra, một yếu tố may mắn mà các thủ khoa đều có được, đó là những thầy cô giáo tận tâm, yêu nghề và có phương pháp giảng dạy tốt, không chạy theo bệnh thành tích.
Không vào “lò”
Tôi được biết em Hoàng Thị Lụa ngoài thời gian học ở trường còn ra đồng làm ruộng cùng gia đình. Vậy em đã dành thời gian vào lúc nào để học bài? Trong suốt quá trình học THPT em chủ yếu sử dụng những loại sách nào và của nhà xuất bản nào đã giúp em đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua? (Lưu Văn Hải, 24 tuổi, Đại học Thuỷ sản).
Hoàng Thị Lụa: Mặc dù em cũng phải ra đồng nhưng việc này không phải là thường xuyên. Vì vậy nên em vẫn còn đủ thời gian để học bài. Trong quá trình học em hay dùng sách của NXB Giáo dục và NXB Hà Nội.
Các bạn có thể bày cho mình cách ôn thi lại ĐH không? Mình không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào? (Trần Hữu Hiền, 18 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội).
Vũ Minh Long: Mình cũng thường xuyên sưu tập đề thi các năm để tham khảo. Mình tự làm các đề thi này, có bấm thời gian như thi thật, sau đó gửi bài cho thầy chấm. Những lần tự thi thử này, thông thường mình đạt 26 - 27 điểm.
Mình không bị quá áp lực về việc ôn thi, đến 21 giờ tối mới ngồi vào bàn học, đến 1 - 2 giờ thì đi ngủ. Những lúc ôn thi căng thẳng quá, thấy có vẻ không vào, mình thường nghe nhạc, nghỉ ngơi. Lúc học, mình luôn cố gắng tập trung tối đa.
Nguyễn Thị Như Trang: Mình luôn học kỹ lý thuyết trước khi làm hết bài tập trong SGK. Sau đó, mình làm thêm phần bài tập nâng cao để củng cố kiến thức.
Mình không lên Hà Nội ôn thi vì cảm thấy không cần thiết. Mình tự học ở nhà và ôn thi 3 môn ở trường vào các buổi chiều. Tối về, mình xem lại bài từ 19 giờ 30 đến 23 giờ. Phần lý thuyết của các môn Vật lý, Hóa học, mình cố gắng hiểu bản chất của vấn đề thì học thuộc dễ hơn và nhớ lâu hơn.
Chúc mừng các bạn thủ khoa. Tôi rất khâm phục các bạn. Nếu chỉ học ở trên lớp với nội dung trong SGK có thể thi đạt điểm thủ khoa được không? (Trần Việt Quân, 30 tuổi, Hà Nội).
Hoàng Thị Lụa: Nếu như chỉ học trên lớp với những nội dung trong SGK thì em nghĩ cũng có thể trở thành thủ khoa trong kỳ thi ĐH, nhưng phải biết liên hệ giữa các phần học.
Thí dụ như đề thi môn Vật lý năm nay. Ở ý thứ 2 của câu hỏi thứ 3, ngoài kiến thức về phần dao động cơ học của lớp 12 còn phải nắm được tính chất của điện trường từ năm lớp 11.
Đào Thị Thu Thủy: Em nghĩ nếu chỉ học trên lớp với nội dung trong SGK thì không thể đỗ thủ khoa được. Ngoài thời gian học trên lớp, các bạn nên dành thời gian để học thêm tại các lớp học tốt với thầy cô tâm huyết.
Em cũng muốn nói với các bạn là phải bố trí thời gian học phù hợp, không nên đi học thêm quá tràn lan, không có thời gian học ở nhà để luyện tập thêm.
Em đã vượt qua khó khăn để học tập và đạt được điểm thủ khoa như thế nào?
Đoàn Đức Anh: Mỗi ngày em chỉ học 1,5 - 2 tiếng. Bắt đầu vào năm lớp 12 em chăm chỉ học hơn. Em dành thời gian để làm các đề thi năm trước. Gia đình khá khó khăn, chị gái em cũng làm thêm được 200.000 đồng/tháng. Em cũng vậy sẽ đi làm thêm để có tiền phụ trợ cho những ngày học đại học ở Hà Nội. Khi lên Hà Nội em sẽ làm gia sư để kiếm thêm tiền.
Xin hỏi chị Đào Thị Thu Thuỷ: Chị là một học sinh ở ngoại thành Hà Nội đạt 30 điểm thi đại học. Em rất ngưỡng mộ chị. Rất mong chị chia sẻ kinh nghiệm học và ôn luyện các môn thi khối A? (Đỗ Cẩm Vân, 16 tuổi, Đông Anh, Hà Nội)
Chị rất vui khi được trả lời câu hỏi của em. Nhưng chị sẽ vui hơn nếu thay vì “ngưỡng mộ” chị em hãy coi chị là một đối thủ mà em sẽ vượt qua. Về việc ôn luyện các môn thi khối A, kinh nghiệm quan trọng nhất và cũng là yếu tố quyết định quan trọng nhất là em hãy rèn luyện sự tự giác trong học tập.
Khi em có được sự tự giác và hứng thú với môn học em sẽ tự tìm được một phương pháp học thích hợp với bản thân mình và sẽ đạt được kết quả cao.
Cuối cùng điều chị muốn nói với em: Người các em nên ngưỡng mộ chính là bố mẹ, các thầy cô giáo đang dạy dỗ các em và rất nhiều người thành công khác. Chị đỗ thủ khoa nhưng còn phải học hỏi bạn bè rất nhiều. Có rất nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng rất giỏi mà chị cần phải học tập nhiều.
Và chưa… yêu
Trong thời gian học phổ thông, các bạn có nghĩ đến yêu đương không? (Nguyễn Thành Đạt, 19 tuổi, Hà Tây)
Nguyễn Thị Như Trang: Mình cũng chưa nghĩ đến vấn đề này.
Đào Thị Thu Thủy: Trong thời gian học phổ thông mình xác định việc học là quan trọng nhất. Do vậy, mình dành hầu hết thời gian để học tốt. Theo mình, rất khó để nói có nghĩ đến hay không nhưng mình xác định một cách chắc chắn rằng yêu đương không nên có trong trường phổ thông.
Còn tình cảm trong sáng giữa học sinh với nhau mà không ảnh hưởng đến việc học, trái lại còn có tác dụng tích cực giúp hai người cố gắng học tập tốt hơn thì có thể có.
Hoàng Thị Lụa: Câu hỏi của bạn rất hay. Mình chưa thử nên không biết việc “yêu đương” trong thời gian học phổ thông là nên hay không nên. Về cá nhân mình thì không nên.
Vũ Minh Long: Quả thật đôi lúc mình có nghĩ đến chuyện tình cảm nhưng mình luôn cố gắng để không ảnh hưởng đến chuyện học tập.
Theo Việt Hùng
Tiền Phong