Trường học thành nơi… nuôi gà vịt: Chính quyền lên tiếng

(Dân trí) - Ngày 5/4, đại diện lãnh đạo UBND xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao, Kiên Giang) cho biết, điểm trường Bầu Dừa bị “bỏ hoang” là do có quá ít học sinh và thừa nhận xã chưa quản lý chặt cơ sở vật chất của điểm trường này.

Trong buổi làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Tấn Phát - Trưởng phòng Giáo dục huyện Gò Quao cho biết, sau khi báo Dân trí đăng bài “Trường học thành nơi… nuôi gà vịt” phản ánh điểm trường Bầu Dừa thuộc Trường Tiểu học Thủy Liễu 1 (ấp Châu Thành, xã Thủy Liễu) bị “bỏ hoang” khoảng 3 năm và người dân tận dụng để làm nơi nuôi nhốt gà vịt, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang có chỉ đạo ngành giáo dục huyện làm rõ tình trạng trên.

Ngay sau đó, Phòng Giáo dục đã yêu cầu Ban giám hiệu Trường Tiểu học Thủy Liễu 1 có báo cáo về điểm trường này. Ông Bùi Thanh Diệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy Liễu 1- cho biết, điểm trường Bầu Dừa được đưa vào sử dụng từ năm học 2004 - 2005, có 3 lớp với 25 học sinh (HS). Tuy nhiên qua các năm học sau, số HS lại ít dần, nhiều năm mở lớp nhưng phải ghép hai trình độ 3 +2, do đó không đảm bảo tỷ lệ HS trên lớp và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các lớp này.
 
Vì thế, vào cuối năm học 2010 - 2011, nhà trường tiến hành họp phụ huynh, có đại diện chính quyền địa phương tham dự, thống nhất xóa điểm Bầu Dừa và cho con em đến điểm trường chính để tiếp tục học. Ngày 24/7/2011, nhà trường lập biên bản bàn giao cơ sở vật chất cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.
 
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, thông thường, sau khi bàn giao cơ sở vật chất cho địa phương thì địa phương sẽ xem xét chuyển công năng sử dụng như làm trụ sở ấp, làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của địa phương. Tuy nhiên, rất có thể xã Thủy Liễu chưa bố trí được công năng của điểm Bầu Dừa nên đóng cửa từ đó đến nay. “Sau khi bàn giao cho địa phương thì ngành giáo dục không còn liên quan nữa mà trách nhiệm quản lý, sử dụng điểm trường là do địa phương”, ông Phát nêu rõ.
 
Cũng theo ông Phát, có một “sơ suất” ở đây là sau khi bàn giao, nhà trường đã không gỡ bảng tên trường xuống dẫn đến khi tình trạng xảy ra như báo Dân trí phản ánh đã gây “hiểu lầm” cho ngành giáo dục địa phương trong việc “bỏ hoang” điểm trường này.
 
Ông Phát cho biết thêm, tại huyện Gò Quao có rất nhiều điểm lẻ của các trường Tiểu học tại các xã bị xóa từ năm 2009 đến nay do không đảm cho công tác dạy và học. Sau khi xóa, nhiều điểm trường đã được quản lý, sử dụng rất tốt góp phần vào sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư tại địa bàn.

Đại diện lãnh đạo địa phương cho biết sẽ khắc phục tình trạng chưa tốt tại điểm trường Bầu Dừa.
Đại diện lãnh đạo địa phương cho biết sẽ khắc phục tình trạng chưa tốt tại điểm trường Bầu Dừa.

 
Trong khi đó, khi làm việc với PV Dân trí, đại diện lãnh đạo xã Thủy Liễu cho biết, sau khi bài báo đăng, địa phương đã cho kiểm tra lại và thấy tình trạng đúng như báo Dân trí đã phản ánh.
 
Theo bà Thị Phương Hồng - phó Chủ tịch UBND xã Thủy Liễu, sau khi nhận bàn giao điểm trường, xã đã giao cho ấp trông coi. Tuy nhiên, địa phương cũng không thể ngày đêm theo dõi được, do đó có thể người dân tưởng đã bỏ hoang nên tận dụng để nuôi chứa gà vịt. Bà Hồng cũng thừa nhận để xảy ra những hình ảnh không đẹp mắt, một phần là do địa phương chưa quản lý chặt chẽ, một phần cũng do ý thức của người dân chưa tốt.
 
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 5/4, bà phó Chủ tịch UBND xã Thị Phương Hồng cho hay, địa phương sẽ có hướng khắc phục tình trạng này để đảm bảo điểm trường Bầu Dừa được quản lý tốt hơn.
 
Huỳnh Hải