Trường học “bỏ rơi” trẻ dưới 18 tháng tuổi
(Dân trí) - Sau 6 tháng nghỉ thai sản, bà mẹ sẽ quay lại lại làm việc. Nhưng hầu hết các trường mầm non đang “bỏ quên” trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Lỗ hổng này tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các điểm giữ trẻ trái phép.
Hiếm nơi nhận trẻ 6 - 18 tháng
Hầu hết các trường mầm non ở TPHCM, từ công lập đến tư thục rất hiếm nơi nhận trẻ trong độ tuổi 6 - 18 tháng, đặc biệt 6 - 12 tháng có thể nói là "bói không ra".
Điều này đẩy nhiều gia đình vào cảnh hết sức tréo ngoe bởi theo chế độ hiện nay, sau 6 tháng nghỉ thai sản, bà mẹ sẽ quay lại làm việc. Không tìm được chỗ gửi con, các gia đình nghĩ ra đủ cách xoay xở như điều động hai bên nội ngoại, thuê người giúp việc, thậm chí nhiều phụ nữ phải nghỉ việc để nhà chăm con.
Tuy nhiên, những phương án này đều không ngoài khả năng của phần lớn người lao động nghèo, công nhân từ các tỉnh đổ về TPHCM mưu sinh. Thế nên nếu không gửi con về quê nhờ ông bà chăm, họ chỉ còn nước gửi con ở nhóm trẻ gia đình không phép, tạo cơ hội cho loại hình giữ trẻ này phát triển bất chấp chứa đựng rất nhiều mối nguy.
Tại phường Linh Trung, Q.Thủ Đức (TPHCM), 16 trẻ trong độ tuổi 6 - 12 tháng và 33 trẻ 13 - 18 tháng đang được gửi tại các nhà trẻ không phép, chiếm nhiều nhất trong các độ tuổi.
Toàn quận, không có một trường mầm non công lập nào nhận trẻ 6 - 12 tháng tuổi và hiện có 435 trẻ 6 - 18 tháng đang được gửi tại hàng trăm nhóm trẻ không phép.
Ở quận Bình Tân, trong số khoảng 10.000 trẻ 6 - 18 tháng tuổi chỉ có 107 trẻ được nuôi dạy trong các cơ sở mầm non, chủ yếu ở ngoài công lập. Ở nhiều phường, ngay cả các trường ngoài công lập và nhóm trẻ có phép đều không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Các gia đình có con nhỏ mà không thu xếp được phương án khác đành phải “nhờ vả” vào 125 nhóm lớp mầm non và 90 nhóm trẻ gia đình không phép đang hoạt động tại đây.
Ông Phạm Văn Mười - Phó Chủ tịch Q. Bình Tân cho hay, hiện nay quận vẫn còn 3 phường chưa có trường mầm non công lập. Trong khi, phải thực hiện đề án phổ cập cho trẻ 5 tuổi nên không đủ trường, lớp và đội ngũ nên không chỉ độ tuổi nhà trẻ mà cả mẫu giáo dưới 5 tuổi cũng không chăm lo được hết.
Đàn anh “đè” đàn em
Trong kế hoạch tuyển sinh đầu năm của thành phố luôn đặt ra mục tiêu gần như chưa thể thưc hiện: vừa huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, vừa đảm bảo chỗ học cho trẻ 3, 4 tuổi và trẻ trong độ tuổi nhà trẻ.
Được cái này, hụt cái kia, khi thành phố tiến tới hoàn thành phổ cập trẻ 5 tuổi thì dường như càng bộc lộ rõ tình trạng thiếu trường lớp dành cho lứa tuổi khác.
Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa Xã hội (Hội đồng Nhân dân TPHCM) cho hay, trong lệ nhà trường mầm non bao gồm nhóm trẻ, bản thân các trường phải đảm nhận công việc này.
Nhưng do việc thực hiện lâu nay không làm bài bản, đầy đủ, đầu tư lúc ít lúc nhiều, trường học lại phải tập trung cho việc phổ cập trẻ 5 tuổi. Trong khi, số trường xây mới chưa tương ứng, sức ép của những công việc khác đã bớt đi diện tích, đội ngũ dành cho trẻ nhỏ.
Ngoài ra, tính an toàn, yêu cầu về chăm sóc cho trẻ 6 - 18 tháng tuổi phức tạp hơn nhiều các lứa tuổi, chế độ chính sách lại giống nhau nên các trường rất “ngại” trẻ nhỏ. “Có thể số trẻ trẻ nhỏ đang bị đàn anh “đè”, không cạnh tranh nổi nên bị loại ra” - ông Hùng ví von.
Bà Trương Thị Việt Liên - Phó phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) lý giải, trước đây các trường mầm non có lớp dành cho trẻ 6 - 12 tháng tuổi. Nhưng sau này nhu cầu gửi trẻ lứa tuổi này không nhiều, phụ huynh không muốn gửi con quá sớm, thường sau 12 hoặc 18 tháng, họ mới gửi con. Xuất phát từ việc nhu cầu giảm nên việc giữ trẻ ở lứa tuổi này của các trường cũng giảm dần để dành cho lửa tuổi lớn hơn.
Không chỉ các trường mầm non công lập mà các trường tư thục cũng không mặn mà với trẻ lứa tuổi 6 - 18 tháng tuổi. Do các trường không đảm bảo được điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Hơn nữa, chăm sóc trẻ ở độ tuổi này rất phức tạp nhưng học phí không chênh lệch nhiều so với trẻ lớn hơn nên các trường cũng không muốn "ôm khó" vào thân khi đang thiếu thốn trăm bề.
Cũng vì lẽ đó, trẻ ở lứa tuổi chăm sóc khó nhất, nhiều nguy cơ nhất hiện nay phần lớn lại đang được "đẩy" cho các nhóm trẻ gia đình không phép - nơi luôn được cảnh báo đầy các mối nguy cơ khi người giữ trẻ không có chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo...
Hoài Nam