Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi

(Dân trí) - Thương học trò phải dựng lán bắt sóng học từ xa, nhà trường hỗ trợ từ phí truy cập Internet cho tới gửi tài liệu hướng dẫn tự học qua đường bưu điện và giáo viên gọi điện giảng bài cho học sinh.

Kết nối dạy và học từ xa bằng 3 hình thức

Việc chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học từ xa đã khiến cho rất nhiều giáo viên và học sinh miền núi lúng túng, không chỉ về công nghệ thông tin mà còn trong cả phương pháp tổ chức dạy học đối với giáo viên, phương pháp tiếp nhận kiến thức đối với học sinh.

Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, thầy và trò Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Việt Trì, Phú Thọ) đang thực hiện nhiều phương thức khắc phục khó khăn để “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 1

Học sinh Trường Dân tộc nỗ lực theo đuổi chương trình học từ xa bằng cách dựng chòi, lán ở nơi cao bắt sóng 3G, 4G.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 2

Em Vàng A Ly, lớp A4K45 khắc phục khó khăn học tập bằng cách kê bàn học ở địa điểm có thể bắt sóng Internet gần nhà.

Học sinh Quàng Thị Thu Biên lớp C4K45 nói: “Lúc đầu cứ nghĩ học trực tuyến là em lo lắm, không biết học như thế nào. Chúng em ở vùng cao, điều kiện còn khó khăn, nhưng sau 1 tuần chúng em được hướng dẫn cài đặt phần mềm, kỹ thuật tương tác, phương pháp học tập và thầy cô hỗ trợ bất cứ lúc nào thì việc học đã trơn tru".

Để khắc phục khó khăn về đường truyền Internet, nhiều học trò dựng lán ở những nơi cao để bắt sóng. Nhà trường hỗ trợ 300.000 đồng/học sinh nghèo để các em nạp thẻ điện thoại mua dung lượng Internet học từ xa. Học sinh khó khăn, không có thiết bị học từ xa, trường đang kết nối để hỗ trợ điện thoại cho những em này.

Việc học tập từ xa được triển khai dưới 3 hình thức: Một là, giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo thời khóa biểu của nhà trường. Hai là, giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo điều kiện kết nối mạng Internet của học sinh. Ba là, giáo viên tương tác với học sinh qua điện thoại sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 3

Lớp học online bằng các ứng dụng giống như các bạn học sinh miền xuôi.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 4

Nhiều học sinh miền núi cũng đang nỗ lực để học tập từ xa.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 5

Nhiều em phải dựng lán ở những nơi bắt được sóng 3G, 4G.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 6

Cô giáo Phan Thị Tố Trinh - giáo viên dạy môn Vật lý chia sẻ: “Với cách thức triển khai dạy học từ xa thông qua tài liệu hướng dẫn học sinh tự học của nhà trường, chúng tôi có thể dạy học từ xa cho các em bất cứ lúc nào các em cần, không kể ngày hay đêm. Có những lúc tôi đang ăn cơm, thấy học trò nhắn tin hỏi bài, tôi sẵn sàng hỗ trợ ngay.”

Như vậy, học sinh được hỗ trợ học tập phù hợp với điều kiện riêng của từng em. Các em có thể học tại các lớp học trên không gian mạng, có thể được giảng bài qua các ứng dụng điện thoại thông minh, có thể gọi điện thoại trực tiếp hoặc giáo viên và học sinh có thể nhắn tin ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm trong ngày.

Cứ 2 ngày, học sinh sẽ được xét công nhận kết quả học tập theo từng module, để nắm bắt khó khăn của các em. Nếu các em không vượt qua được yêu cầu kiến thức, các thầy cô sẽ tiếp tục giảng dạy.

Nếu thấy cần thiết sẽ chuyển hình thức hỗ trợ hoặc kết hợp nhiều hình thức hỗ trợ, để đảm bảo học sinh không gián đoạn học tập trong điều kiện không thể đến trường.

Phối hợp học online với tài liệu hướng dẫn học sinh tự học 60-70%

TS Lê Trọng Tuấn - Hiệu trưởng Trường chia sẻ: “Cuối tháng 2/2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học từ xa nếu học sinh không thể xuống trường học tập trung, trong đó giải pháp đầu tiên chúng tôi triển khai đó là bồi dưỡng đồng bộ các phương pháp, kỹ thuật dạy học từ xa cho giáo viên, hướng dẫn phương pháp học từ xa cho học sinh.

Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến việc lựa chọn các phần mềm ứng dụng đơn giản, có tính bảo mật, dễ dàng sử dụng cho giáo viên và học sinh”.

Học sinh dân tộc thiểu số sau khi về nghỉ tết, hầu hết các em không mang tài liệu học tập về nhà, bên cạnh đó việc tiếp cận tài liệu học của các em ở trên đó là rất khó khăn, có những em phải đi hàng chục km đường núi mới đến được trung tâm bưu điện xã để phô tô tài liệu, do vậy việc biên soạn tài liệu, đặc biệt là các module kiến thức để các em có thể tự học, tự nghiên cứu theo hướng dẫn, tự kiểm tra kết quả học tập là rất cần thiết đối với học sinh vùng cao.

Trường hỗ trợ phí Internet, giáo viên gọi điện giảng cho học sinh miền núi  - 7

Thầy Hiệu phó Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương tâm huyết với việc xây dựng tài liệu hướng dẫn học sinh tự học 60-70%, nhằm giảm áp lực học online cho học sinh miền núi.

Nói về nội dung này TS Nguyễn Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường nói: “Nhà trường tiến hành thẩm định từng yêu cầu kiến thức học sinh đạt được, từng câu hỏi định hướng, từng nội dung kiến thức nền cung cấp và từng bài kiểm tra trong tài liệu, trong đó chúng tôi tập trung lựa chọn các phần kiến thức ở mức độ biết, hiểu có độ khó thấp, trung bình và rất ít kiến thức ở mức độ vận dụng.

Tài liệu được thiết kế để học sinh có thể tự vượt qua 60-70% kiến thức, như vậy sẽ giảm tối đa thời gian hỗ trợ trực tuyến trên không gian mạng cho học sinh. Điều đó là rất cần thiết cho học sinh vùng cao khi điều kiện kết nối mạng của các em là rất khó khăn".

"Bên cạnh đó khi có tài liệu, thầy và trò khi giảng dạy và học tập sẽ biết được cái đích cùng nhau hướng tới. Thầy sẽ theo sát được mức độ đạt được kiến thức của từng học sinh.”, thầy Tuấn Anh cho biết.

M.C

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm