Trường hạng sang cắt xén khẩu phần ăn và sự kiện nóng tuần qua
(Dân trí) - Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2023; tạm dừng hoạt động cơ sở giáo dục cắt xén khẩu phần ăn của học sinh mầm non; hàng trăm sinh viên ở TPHCM đâm đơn khởi kiện… là những sự kiện nóng tuần qua.
Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT, công bố điểm sớm 2 tuần
Ngày 7/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố lịch thi tốt nghiệp THPT . Đây là thông tin được hàng triệu học sinh mong chờ hàng năm.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023.
Theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Đặc biệt năm nay, điểm thi sẽ được Bộ GD&ĐT công bố vào 18/7, sớm hơn 2 tuần so với mọi năm.
Căng thẳng tuyển sinh đầu cấp
Ngày 6/4, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố hướng dẫn xét tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2023-2024; tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2023-2024.
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh ở các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022-2023, đặc biệt là học sinh lớp 6.
Theo đó, học sinh lớp 6 tăng xấp xỉ 38.000 em, học sinh lớp 1 tăng khoảng 11.600 em, học sinh lớp 10 tăng khoảng 1.000 em.
Với số học sinh đầu cấp tăng chóng mặt, dự kiến tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội tiếp tục căng thẳng.
Điểm mới tuyển sinh đầu cấp năm nay của Hà Nội là hồ sơ vào mầm non, lớp 1, lớp 6 đã giảm bớt giấy xác nhận thông tin về cư trú, tạo nhiều thuận lợi cho phụ huynh học sinh.
Trước đó, TPHCM cũng ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023-2024. Theo đó, địa phương này sẽ thí điểm áp dụng hệ thống bản đồ GIS trong tuyển sinh.
Trường hạng sang bị tố ăn bớt khẩu phần của trẻ mầm non
Chỉ trong vòng 4 ngày sau khi phụ huynh tố cơ sở giáo mầm non độc lập American Montessori School (AMIS) ở Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội cắt xén khẩu phần ăn của học sinh được đăng tải, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sự việc.
Quyết định buộc tạm thời dừng hoạt động được đưa ra sau khi đoàn liên ngành kiểm tra, xác định cơ sở giáo dục này chưa đủ một số điều kiện để tiếp tục các hoạt động trông giữ trẻ.
Đoàn kiểm tra liên ngành cũng yêu cầu cơ sở giáo dục gỡ biển tên trường vì không thực hiện đúng quy định.
Mặc dù UBND phường Cầu Diễn đưa ra phương án giải quyết cho các học sinh hiện đang theo học tại AMIS Trần Hữu Dực nhiều phụ huynh vẫn bất an.
Được biết bữa ăn học đường vẫn luôn là nỗi canh cánh của phụ huynh học sinh.
Sự việc của cơ sở giáo dục AMIS trên đây không phải trường hợp duy nhất bị đưa ra công luận. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những trường hợp bữa ăn lèo tèo hoặc phát hiện có giòi trong thức ăn của học sinh khiến phụ huynh lo lắng.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm "đẹp như mơ": Khó tin!
Trong tuần qua, trên nhiều diễn đàn giáo dục, việc một số trường công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm qua những con số "đẹp như mơ", "ra đến đâu hết đến đó" khiến nhiều người hồ nghi và được đưa ra mổ xẻ.
Theo báo cáo từ hàng loạt trường đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng, nhiều ngành sinh viên cứ "ra đến đâu hết đến đó".
Nhiều trường công bố hàng loạt ngành nghề đào tạo có tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm. Những ngành có tỷ lệ việc làm trên 90% thì nhiều vô kể.
Sở dĩ những con số báo cáo của các trường gây nghi ngờ vì có khoảng cách khá lớn so với báo cáo phân tích về giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổng hợp số liệu từ 181 trường đại học và 40 trường cao đẳng.
Cụ thể, báo cáo này cho thấy, tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm so với tổng sinh viên tốt nghiệp năm 2018 đạt khoảng 65,5%.
Trong khi đó, trong lần đính chính về số liệu tỷ lệ sinh viên thất nghiệp được công bố tại một hội thảo vào cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.
Theo ý kiến của một số nhà quản lý giáo dục, các trường tự thống kê, báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm nên việc đưa ra các số liệu "ma" là điều dễ hiểu.
Không chấp nhận chứng chỉ Aptis, sinh viên muốn... kiện
Câu chuyện dai dẳng, kéo dài cả tháng nay là việc một số trường đại học không công nhận chứng chỉ ngoại ngữ Aptis thi sau ngày 11/11/2022 của Hội đồng Anh khiến hàng trăm sinh viên bức xúc, trong đó có sinh viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM).
Phía Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý để đảm bảo các chứng chỉ Aptis General/Aptis Advanced thi sau ngày 11/11/2022 cấp và lưu hành theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Do vậy, nhà trường chưa xét công nhận chứng chỉ Aptis General/Aptis Advanced được cấp sau ngày 11/11/2022 và chưa giải quyết đơn đề nghị miễn tiếng Anh cho các sinh viên nộp chứng chỉ tiếng Anh Aptis General/Aptis Advanced trong giai đoạn này.
Do chờ đợi quá lâu mà không tìm được giải pháp, hiện hàng trăm sinh viên đã ký đơn ủy quyền và mời luật sư vào cuộc để giải quyết quyền lợi của người thi.
Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, ngày 6/4, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Đảng ủy Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (thuộc Đảng bộ Đại học Đà Nẵng), nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, ngày 9/2, Công an Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra về tội Tham ô tài sản.
Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố tiếp tục tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nguyên Hiệu trưởng Đoàn Quang Vinh để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.