Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chót vót: "Số liệu "ma", dễ mà"!?

Hoài Nam

(Dân trí) - "Các trường tự thống kê, báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Thống kê "ma", số liệu "mạ" là chuyện.. dễ mà!" - quản lý một trường đại học ở TPHCM nhận định.

Muốn bao nhiêu có bấy nhiêu!

Quản lý một trường đại học tại TPHCM chia sẻ với PV Dân trí về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm "đẹp như mơ" mà dư luận vẫn nghi ngại lâu nay. 

"Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học có thể ở mức dưới 90% hoặc thấp hơn nữa, còn ngất ngưởng tới 95 - 100% thì không có đâu. Mỗi khóa có thể có cả ngàn sinh viên nhưng chỉ khảo sát được vài trăm. Số này đều báo có việc làm thì chưa nói lên được điều gì. Theo tôi, cần phải xem lại cách thống kê của các trường", vị này nói.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chót vót: Số liệu ma, dễ mà!? - 1

Hơn 92% sinh viên tốt nghiệp đại học Luật TPHCM ra trường có việc làm (Ảnh: A.N).

Ông cho hay, kết quả thống kê tùy thuộc vào tỷ lệ sinh viên tham gia khảo sát, cách thức thống kê và quan điểm về "có việc làm" của trường. Tỷ lệ muốn bao nhiêu thì... sẽ có bấy nhiêu. 

Ngay cả những thời điểm tình hình kinh tế khó khăn nhất, tình trạng cử nhân thất nghiệp được cảnh báo, vẫn có thể thấy tỷ lệ sinh viên ra trường trong báo cáo của các trường vẫn luôn cao ngất ngưởng. 

Trước những con số tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao chót vót, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ, trường thực hiện thống kê trên tất cả các sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chỉ 75 - 80% sinh viên trả lời. Dù trường đầu tư hẳn một đội kết nối, liên lạc, gọi điện xác minh. 

Ông Sơn cho biết, theo khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tại trường có việc làm cao nhất là ngành điện tử, cơ khí và công nghệ may là 100% nhưng là 100% của số sinh viên tốt nghiệp tham gia trả lời khảo sát.

Còn các ngành kỹ thuật và công nghệ khác, tỷ lệ có việc làm ở mức 90%. Không ít ngành chỉ khoảng 85 - 88% sinh viên có việc làm trên số người tham gia khảo sát. 

"Có việc làm" với ngành nghề được đào tạo? 

Ông Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng phụ trách trường đại học Gia Định cho hay, có rất nhiều định nghĩa về "sinh viên ra trường có việc làm". Bởi thế, ông không có ý kiến về con số báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của các trường bởi điều này tùy cách thức khảo sát, quan điểm về việc làm.

Quan điểm của cá nhân ông, sinh viên ra trường có việc làm cần dựa trên những thống kê "đối chứng" khác như có làm đúng ngành nghề hay không. Còn con số của các trường công bố hiện nay chỉ dừng ở mức khảo sát, không mang ý nghĩa thống kê. 

"Khi đặt trước bài toán tránh mất cân bằng ngành nghề cho xã hội thì phải quan tâm đến khía cạnh sinh viên làm đúng ngành nghề được đào tạo", ông Trịnh Hữu Chung nói. 

Việc khảo sát sinh viên ra trường có việc làm là cần thiết để xây dựng chỉ tiêu đào tạo. Điều cần quan tâm là xác định được sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề để hạn chế mất cân bằng trong đào tạo và nhu cầu xã hội. 

Để giải quyết vấn đề này, ông Chung cho rằng cần có định hướng trong nhà trường để các em hiểu rõ về ngành nghề mình học, mình làm trong quá trình học, đi thực tập, kiến tập. Khi đó, nguồn nhân lực cho xã hội sẽ chất lượng hơn, hạn chế việc doanh nghiệp phải đào tạo lại. 

Bên cạnh đó, ông Chung đưa ra góc nhìn, sinh viên ra trường thất nghiệp hay phải "giấu bằng" đi làm công nhân, chạy xe công nghệ thì các bên liên quan (cơ quan quản lý, hoạch định, cơ sở đào tạo...) có trách nhiệm gì. 

"Đặc biệt, vấn đề dự báo, phân bổ ngành nghề là rất cần thiết để tránh dư nhân lực ngành này, thiếu ở ngành kia hay tình trạng thừa thầy thiếu thợ", ông Trịnh Hữu Chung bày tỏ. 

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chót vót: Số liệu ma, dễ mà!? - 2

Sinh viên tại Ngày hội Career Day 2023 của Trường ĐH Công nghệ TPHCM (Ảnh: T.D).

Ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho hay, một cơ sở đào tạo tốt cần phải có những sản phẩm đầu ra tốt. Sản phẩm đó chính là sinh viên phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhà tuyển dụng. 

Số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp là rất quan trọng đối với các cơ sở đào tạo, là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo; phản ánh chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo và cũng là cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, căn cứ để giao nhiệm vụ.  

Sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cũng là một chỉ số quan trọng tác động lên chỉ số việc làm chung của cả nước, thước đo quan trọng của nền kinh tế.

Ông Dũng cũng cho rằng, thống kê của các trường về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 tháng đến 1 năm tương đối cao nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để kiểm chứng lại kết quả thống kê này cũng là bài toán đang được Bộ GD&ĐT đặt ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm