Trường ĐH Văn hóa TPHCM: Tăng chỉ tiêu, mở rộng phương thức tuyển sinh
(Dân trí) - Tăng chỉ tiêu, mở rộng phương thức tuyển sinh, điều chỉnh tổ hợp xét tuyển... là những điểm mới trong tuyển sinh năm 2021 của ĐH Văn hóa TPHCM.
Tuyển sinh 14 ngành, chuyên ngành với gần 1.000 chỉ tiêu
Thông tin về Đề án tuyển sinh năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cho biết, năm nay trường tuyển 990 chỉ tiêu cho 14 ngành, chuyên ngành đào tạo, tăng 240 chỉ tiêu so với năm 2020.
Cụ thể, ngành Quản lý văn hóa tuyển sinh 270 chỉ tiêu cho 4 chuyên ngành đào tạo: Quản lý hoạt động Văn hóa - Xã hội; Quản lý Di sản Văn hóa và phát triển du lịch; Tổ chức, dàn dựng chương trình Văn hóa - Nghệ thuật và chuyên ngành Tổ chức sự kiện Văn hóa, Thể thao, Du lịch.
SV Trường ĐH Văn hóa tphcm cùng hs trường THPT Bùi Thị Xuân, tỉnh Bình thuận đạp xe diễu hành tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển vào tháng 12/2020
Đối với ngành Văn hóa học, Nhà trường tuyển sinh các chuyên ngành như Văn hóa Việt Nam, Công nghiệp Văn hóa và Truyền thông Văn hóa với tổng cộng 270 chỉ tiêu.
Đây là những chuyên ngành thu hút nhân lực trong những năm gần đây. Tương tự, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (chuyên ngành Quản trị lữ hành và chuyên ngành Hướng dẫn Du lịch) tuyển sinh khá cao với 250 chỉ tiêu, ngành Du lịch tuyển 80 chỉ tiêu, đây được coi là những ngành học có lượng thí sinh quan tâm nhất những năm qua.
Ngoài ra, một số ngành học được coi là thế mạnh của trường, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho các tỉnh phía Nam hiện nay là Bảo tàng học; Kinh doanh xuất bản phẩm; Thông tin - Thư viện và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với nhu cầu tuyển sinh 30 chỉ tiêu/ngành.
Năm 2021, Trường ĐH Văn hóa TPHCM thực hiện hai phương thức tuyển sinh: Xét tuyển và xét tuyển kết hợp thi tuyển đối với chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình Văn hóa - Nghệ thuật (thuộc ngành Quản lý văn hóa).
Đối với phương thức xét tuyển, thí sinh xét tuyển tổ hợp môn văn hóa từ kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển tổ hợp môn văn hóa từ kết quả học bạ bậc THPT của lớp 10, lớp 11 và học kỳ I của lớp 12 (gọi tắt là xét tuyển theo học bạ).
Đối với chuyên ngành thi năng khiếu, thí sinh có thể xét tuyển các môn văn hóa từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết hợp với kết quả thi tuyển sinh Năng khiếu nghệ thuật; xét tuyển các môn văn hóa từ học bạ, kết hợp với kết quả thi tuyển sinh Năng khiếu nghệ thuật; hoặc xét kết quả thi từ trường đại học khác cùng tổ hợp xét tuyển. Tổ hợp môn xét tuyển đối với 13 ngành, chuyên ngành là C00, D01, D09 và D15.
Riêng chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình Văn hóa - Nghệ thuật, thực hiện các tổ hợp R01 (Văn, Địa, Năng khiếu nghệ thuật), R02 (Văn, Toán, Năng khiếu nghệ thuật), R03 (Văn, tiếng Anh, Năng khiếu nghệ thuật), R04 (Văn, Năng khiếu nghệ thuật 1, Năng khiếu nghệ thuật 2).
Thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ Đợt 1 từ ngày 1.4-9/7. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi Năng khiếu nghệ thuật từ 1.4-1/7.
Hội nhập quốc tế song song với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Chia sẻ về sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh, là cơ sở giáo dục ĐH công lập trực thuộc Bộ VHTTDL với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thông tin và du lịch, thời gian qua, nhà trường đã cung ứng hơn 45.000 cán bộ ngành VHTTDL, khẳng định chất lượng đạo tạo đã được xã hội ghi nhận.
Tiếp nối truyền thống và những thành tựu này, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hội nhập.
"Song song với việc đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng trình độ chuyên môn, có kỹ năng, thái độ tốt, nhà trường đặc biệt chú trọng tạo nên một thế hệ trẻ với tư duy mới, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập mạnh mẽ như hiện nay", ông Dũng chia sẻ.
Tính đến nay, sau 45 năm thành lập (1976-2021), Trường ĐH Văn hóa TPHCM đã và đang đào tạo trên 45.000 người học, trong đó có trên 21.600 sinh viên, học viên đại học; trên 8.300 sinh viên, học viên cao đẳng; 770 học viên cao học; trên 8.700 học sinh, học viên trung cấp và gần 5.700 học viên được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
Với số lượng người học nhà trường đào tạo, đã đáp ứng cơ bản nhân lực lĩnh vực văn hóa và góp phần đối với các lĩnh vực thông tin, truyền thông và du lịch cho ngành VHTTDL, các cơ quan, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Hiện tại, Nhà trường có hai cơ sở đào tạo khang trang với hệ thống phòng học, hội trường biểu diễn nghệ thuật, khu nhà học thực hành Văn hóa - Nghệ thuật, các phòng thực hành Bảo tàng, Thư viện, Truyền thông, Du lịch, phòng thực hành máy tính, phòng hội thảo, phòng học đa phương tiện.
Ký túc xá 2.500 chỗ đáp ứng 100% chỗ ở cho người học, nguồn học liệu đa dạng và phong phú, đội ngũ giảng viên cơ hữu 100% trình độ sau đại học, có thể khẳng định nhà trường đã sẵn sàng cho quá trình hội nhập giáo dục đại học khu vực và quốc tế.
Trường đã đạt chuẩn chất lượng theo thông tư 12/2007/TT-BGDĐT ngày 19.5.2017 và Hội đồng trường đã được thành lập theo Luật Giáo dục đại học. Giai đoạn từ 2020-2025, Bộ VHTTDL tiếp tục đầu tư hai hạng mục công trình nữa tại cơ sở 2 của Trường, đó là: Nhà hiệu bộ, hội trường, thư viện cao 4 tầng và một khu luyện tập thể dục thể thao đa năng cho sinh viên với diện tích sử dụng khoảng 2.100 m2; nhà luyện tập thể dục, thể thao đa năng diện tích sàn khoảng 1.030 m2.
Ngày 8/4/2020, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TPHCM chính thức cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục (CSGD) cho Trường. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là cơ sở ĐH đầu tiên của Bộ VHTTDL và là CSGD ĐH thứ 23 trong cả nước đạt chuẩn chất lượng theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, trên cơ sở thành quả này, ngay trong năm 2020, trường đã bắt đầu thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với chiến lược 5 năm (2020-2025). Từ năm học 2020-2021 đến 2022-2023, trường phấn đấu tự đánh giá và đánh giá ngoài tất cả các chương trình đào tạo.
Năm học 2024-2025, tự đánh giá và đánh giá ngoài lần thứ 2 cho giai đoạn áp dụng 2025-2030. Trường đã ban hành các kế hoạch về việc tổ chức tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các ngành Quản lý văn hóa, Thông tin-Thư viện và Văn hóa học, đặt mục tiêu tháng 6.2021 sẽ hoàn thành để tổ chức đánh giá ngoài.
Chính thức thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025
Đáng lưu ý, ngày 24.11.2020 vừa qua, Trường ĐH Văn hóa TPHCM đã chính thức thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là bước ngoặc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của Nhà trường.
Ngoài chuẩn chất lượng đã được công nhận, việc thành lập Hội đồng trường là điều kiện thuận lợi cơ bản để Nhà trường thực hiện 4 nội dung tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học, đó là tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ về tài chính và tài sản; trách nhiệm giải trình trước xã hội, cơ quan chủ quản và người học.