Trường đại học nói gì về việc giải thể 45 bộ môn?

Hoài Nam

(Dân trí) - Trường đại học này đã xóa bỏ cơ cấu trung gian, giải thể 45 bộ môn và sáp nhập các khoa chuyên môn.

Thông tin từ Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, trường này sẽ tiên phong thực hiện xóa bỏ cơ cấu trung gian, thực hiện giải thể 45 bộ môn để phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trường thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà trường theo định hướng phân cấp, giao quyền tự chủ đến đơn vị kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trường đại học nói gì về việc giải thể 45 bộ môn? - 1

Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Bên cạnh việc giải thể 45 bộ môn, trường tiến hành sáp nhập các khoa chuyên môn, hình thành các viện quản lý đào tạo, giảm từ 14 khoa còn 7 viện.

Để nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong học tập, trường đã bỏ mô hình giáo vụ (từ 14 đầu mối), chuyển sang bộ phận tư vấn đào tạo thuộc phòng đào tạo của trường.

Với việc kiện toàn này, đại diện nhà trường cho biết trường giảm được 11 đầu mối bên trong, từ 39 đầu mối tinh gọn còn 28 đầu mối, đạt tỷ lệ tinh giảm gần 30%.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đây là bước đi quan trọng trong nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của nhà trường nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

"Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc, tăng thêm thu nhập cho viên chức, người lao động mà còn tạo động lực thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tiến tới tự chủ đại học", PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Trước đó, trong buổi làm việc với trường vào ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đề nghị Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, ưu tiên các ngành nghề cốt lõi.

Bộ trưởng đề nghị giảng viên trường phải liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào bài giảng cho sinh viên. Sinh viên ra trường có kỹ năng, chuyên môn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng yêu cầu trường cũng cần ưu tiên các ngành nghề đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, logistics; mở rộng tư duy, nâng tầm công tác nghiên cứu khoa học.