Trước ngày thi còn lội ruộng cấy xuyên đêm vẫn đỗ thủ khoa
(Dân trí) - Trước ngày thi tốt nghiệp, Lê Minh Hiếu - thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Hưng Yên - vẫn lội ruộng cấy xuyên đêm. Công việc này được Hiếu thực hiện liên tục từ năm lớp 9.
Em Lê Minh Hiếu - cựu học sinh lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn đạt 29 điểm khối C00 (điểm các môn: ngữ văn 9,5; lịch sử 10; địa lý 9,5) và là thủ khoa khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 của tỉnh Hưng Yên.
Đi làm thuê từ năm lớp 7
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm suốt tháng gắn liền với đồng ruộng, nhà lại đông con nên kinh tế gia đình Hiếu rất khó khăn.
Ở độ tuổi 13-14 khi bạn bè đồng trang lứa đang chưa phải lo lắng, bận tâm gì đến cuộc sống thì Hiếu đã phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền đóng học phí và phụ giúp gia đình.
Năm Hiếu học lớp 7, gia đình em rơi vào khủng hoảng kinh tế. Khi đó, bố em có công việc bấp bênh, lại có giai đoạn không được định hướng tốt nên dù xây nhà xong trong nhiều năm nhưng gia đình vẫn chưa trả hết nợ. Sức ép của đồng tiền đã đè nặng lên vai người mẹ khi phải nuôi 4 anh em Hiếu ăn học.
Hiếu ngậm ngùi chia sẻ: "Gia đình em đã quen sống trong cảnh uy hiếp của chủ nợ. Có thời điểm, cứ vài bữa lại có người đến đòi nợ. Bố em phải đi vay mượn khắp nơi để xoay sở, mẹ em phải làm việc nhiều hơn để có tiền trả nợ. Nhìn bố mẹ vất vả, 4 anh em chỉ biết bảo ban nhau chăm ngoan, cố gắng học tập.
Đứng trước hoàn cảnh như vậy, em đã nhìn thấy được sự nghèo khó của gia đình, sự vất vả, khổ cực của bố mẹ đã khiến em tự cảm thấy mình cần phải trưởng thành hơn.
Là người anh cả trong gia đình, Hiếu phần nào nhận ra được trách nhiệm nên em chủ động nhìn lại bản thân, thay đổi từ nhận thức đến hành động và luôn cố gắng để phần nào phụ giúp cho bố mẹ".
Vì thương bố mẹ vất vả, Hiếu đã bắt đầu đi làm thuê từ hè năm lớp 7. Công việc mà em làm là bóc long nhãn thuê, một cân long nhãn được 4.000 đồng. Trung bình một ngày em sẽ bóc được từ 35-40 cân, ngày nhiều nhất em bóc được 60 cân.
"Hồi đó em chỉ mong bóc được càng nhiều càng tốt. Có thời điểm em bóc nhiều đến nỗi tay em lột ba lớp da, đỏ ửng lên, em đau đến nỗi không cầm được bút để viết", Hiếu nghẹn ngào nói.
Khi lên lớp 9, Hiếu đã bắt đầu đi cấy cùng mẹ. Khoảng 22h hôm trước, em sẽ cùng mẹ ra đồng để cấy cho đến tận 5h hôm sau. Khi lên lớp 10, em thường xuyên đi cấy thuê từ 1-2h cho đến 6-7h rồi đi học luôn.
Đối với Hiếu thời điểm đó, có lẽ, tiền quan trọng hơn cả sức khỏe. Khi ấy, em chỉ mong có tiền để phụ giúp bố mẹ hơn là mong ngủ đủ giấc. Phải chăng, sức ép của đồng tiền đã đè nặng lên vai người con trai cả, khi một bên là mong muốn phụ giúp bố mẹ, một bên là trách nhiệm đối với các em?
Khoảng giữa năm lớp 9 của Hiếu, khi dịch bệnh bùng phát, em gặp khó khăn trong học tập khi nhà trường chuyển sang hình thức học trực tuyến. Vì gia đình khó khăn nên em không có thiết bị truy cập mạng để học như các bạn. Bởi vậy, cứ 22h hằng ngày, Hiếu lại đi mượn vở các bạn về để học.
Biết gia đình mình đang khó khăn nên Hiếu không đòi hỏi bố mẹ điều gì. Tận dụng 4-5 tháng học trực tuyến, Hiếu đã tự trồng rau để mang ra chợ bán, kiếm tiền mua điện thoại và đi học thêm.
Luôn cố gắng hướng đến một tương lai tốt đẹp, mong muốn sớm phụ giúp gia đình
Đến năm lớp 12, em được vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn địa lý của trường nên em đã hạn chế việc đi cấy. Nhưng thay vào đó, em lại tiếp tục công việc đi bóc long nhãn.
Trong khoảng thời gian đó, mỗi ngày, em chỉ ngủ được vài giờ, từ 3,5h đến gần 7h là em đi bóc long nhãn thuê. Tiếp đó từ 7-11h, em sẽ đến trường bồi dưỡng học sinh giỏi. Sau khi tan học buổi trưa, em lại đi bóc long nhãn đến khoảng 16h mới về nhà, tối đến em sẽ học bài.
Hiếu tâm sự: "Khoảng thời gian ôn thi học sinh giỏi khiến em khá áp lực. Em cũng hiểu hoàn cảnh của gia đình mình nên em mới cố gắng vừa học vừa làm. Bố mẹ đã kỳ vọng và đặt niềm tin ở em rất nhiều khiến cho em ngày càng quyết tâm và cố gắng hơn trong việc học tập".
Tuy đi làm nhiều nhưng Hiếu vẫn luôn chú tâm vào việc học, không sao nhãng. Hiếu luôn có kết quả học tập tốt trên lớp và đạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi. Năm lớp 12, em đạt giải nhì ở cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa lý; giải nhất cuộc thi thời trang tái chế.
Với tổng điểm 29, Hiếu đã nghĩ đến việc sẽ vào những trường đại học top đầu. Nhưng rồi những suy nghĩ đó dần vụt tắt bởi những lo toan về chi phí học tập và các khoản khác. Do đó, Hiếu đã quyết định lựa chọn ngành sư phạm văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hiếu chia sẻ: "Em lựa chọn ngành này vì để bớt nỗi lo về học phí và chi phí. Sau khi ổn định việc học tập trên trường và chỗ ở tại Hà Nội, em dự định sẽ đi làm thêm để chia sẻ phần nào gánh nặng của bố mẹ".
Hiện tại, Hiếu đã lên Hà Nội để chuẩn bị các thủ tục nhập học. Khi phải rời xa quê hương, chuyển đến sinh sống và làm việc tại thủ đô, Hiếu vừa háo hức, vừa lo lắng.
Hiếu tâm sự: "Ngay từ khi bước lên xe, em đã thấy nhớ gia đình. Ngồi trên xe nhìn qua cửa kính, em thấy khuôn mặt mẹ toát lên sự buồn rầu, lo lắng. Em háo hức khi sắp được đến một thành phố lớn - một nơi để em có cơ hội được học tập, phát triển bản thân và để thay đổi tương lai của mình.
Nhưng em cảm thấy khá lo sợ, chưa dám đi ra các đường phố lớn mà chỉ đi quanh khu trọ. Vì sống ở quê nên em cảm thấy mình lạc hậu so với các bạn đồng trang lứa. Bởi vậy, có những lúc em thấy rất tự ti về bản thân.
Em tự nhủ sẽ cần phải cố gắng hơn nữa, tích cực trau dồi kiến thức mới, rèn luyện bản thân vững vàng hơn trước một môi trường sống mới để có thể sớm lấy được hai chữ "thành công" mang về báo đáp bố mẹ".