Trung tâm gia sư ở Venezuela mọc như nấm, trả lương cao hơn cho giáo viên
(Dân trí) - Các trung tâm gia sư ở Venezuela thu hẹp khoảng cách học tập giữa các học sinh, trả lương cao hơn cho các nhà giáo dục.
Cô giáo kỳ cựu Mireya Guerrero đã nghỉ việc ở trường công cách đây ba năm, sau khi cô cảm thấy bản thân gặp khó khăn trong việc kiếm sống và chăm lo cho gia đình.
Tuy nhiên, cô giáo 46 tuổi không bỏ nghề. Giờ đây, cô dạy kèm cho gần chục học sinh ở mọi lứa tuổi trong một ngôi nhà đơn sơ ở Antimano, phía tây thủ đô Caracas của Venezuela. Đây là một trung tâm dạy thêm tự phát do cô điều hành.
Các trung tâm gia sư tư nhân nhỏ như của cô Guerrero không chỉ giúp học sinh vượt qua những lỗ hổng trong học tập mà còn giúp những giáo viên đang phải vật lộn để đối phó với mức lương thấp.
Đối với cô Guerrero, dạy thêm đã trở thành "cứu cánh" và giúp cô có tiền để mua thức ăn cho gia đình bốn người của cô.
"Tôi quyết định nghỉ việc để không phải tốn tiền đi lại mà thay vào đó, tôi sẽ dành những gì kiếm được để chi tiêu cho các con của mình," cô Guerrero, người tính phí 5 USD/tuần cho mỗi học sinh, cho biết.
Trong khoảng ba giờ mỗi ngày, cô giáo Mireya Guerrero dạy các lớp học toán, đọc và viết phù hợp với từng học sinh. Cô cũng hướng dẫn học sinh làm bài tập về nhà.
Học sinh Xavier Cantor nói: "Em nghĩ là cô Mireya Guerrero giảng giải mọi thứ tốt hơn giáo viên ở trường. Đó là bởi vì đôi khi ở trường, thầy cô giảng quá nhanh, em không theo kịp, em không thể làm bài tập về nhà và em bị tụt lại phía sau".
Những trung tâm dạy thêm như thay thế này giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các học sinh. Tuy nhiên, chúng cũng củng cố khoảng cách giữa những học sinh có thể tiếp cận nền giáo dục chất lượng và những học sinh không thể.
Trả tiền cho việc học thêm là một điều xa xỉ đối với nhiều người Venezuela. Phụ huynh Ana Fernandez, người có con tham gia các lớp học ngoại khóa như vậy, cho biết, mặc dù những lớp học này gây gánh nặng tài chính cho gia đình cô, nhưng chúng cũng giúp lấp đầy khoảng trống học tập ở con cô, do cuộc khủng hoảng Covid-19.
"Vì đại dịch, bọn trẻ ít đi học, lười nhác hơn và khi tham gia những lớp học thêm như thế này, chúng được học toán và đọc", cô Ana Fernandez nói.
Ngân hàng Thế giới cho biết, hai năm đóng cửa trường học liên quan đến đại dịch Covid-19 ở khu vực Mỹ Latinh có thể khiến việc học của học sinh bị chậm lại hơn một thập kỷ.
4/5 số trẻ em trong khu vực này sẽ không thể hiểu một văn bản đơn giản và có thể thấy, thu nhập trong tương lai của các em sẽ giảm khoảng 12%.
Ở Venezuela, các trường học đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế dài hạn, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Kết quả là hàng nghìn giáo viên đã quyết định nghỉ việc.
Tại một số trường học của Venezuela, phụ huynh và giáo viên đã nghỉ hưu đang phải đảm nhận các vị trí giảng dạy còn trống để bù đắp cho tình trạng chảy máu chất xám.
Bà Miriam Lopez, người đã làm công việc giáo dục trong 40 năm, cho biết: "Nhiều nhà giáo đã rời khỏi đất nước vì họ không kiếm đủ tiền để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu. Nhiều người khác đang phải làm những công việc ngoài chuyên môn giảng dạy của họ".