TPHCM:
Trung tâm ALI - Học viện Hàng không Việt Nam bị tố lừa đảo SV
(Dân trí)-Dù cơ quan chủ quản chưa chấp thuận nhưng Trung tâm Ngoại ngữ thuộc Học viện Hàng không Việt Nam vẫn nhận sinh viên nhập học với tư vấn “được chuyển đổi kết quả TOEIC của trung tâm sang học phần chính quy trong nhà trường”. Nhiều phụ huynh, SV cho rằng Trung tâm đã lừa họ.
Học ở trung tâm như học chính quy?
Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học - Bồi dưỡng văn hóa Hàng không (viết tắt: ALI) trực thuộc Học viện Hàng không Việt Nam vừa có kế hoạch tổ chức khóa học ngoại ngữ gây nhiều tranh cãi. Theo đó, đầu tháng 9 vừa qua, sinh viên (SV) năm nhất đến cơ sở 1 của Học viện Hàng không Việt Nam (số 104 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TPHCM) để làm thủ tục nhập học. Các SV được nhân viên của ALI tư vấn về việc học tiếng Anh - TOEIC. Chương trình đào tạo TOEIC Packet trong thời gian 12 tháng tại cơ sở 2 số18A/1 Cộng Hòa, P.4, Q.Tân Bình, TPHCM, SV sẽ có điểm thi cuối kỳ đạt ít nhất là 350 điểm. Nếu không đạt tối thiểu 350 điểm TOEIC thì SV được học tiếp miễn phí 100%. Mức học phí trọn gói cho 12 tháng là 15 triệu đồng.
Điều đặc biệt mà ALI tư vấn khiến nhiều SV quan tâm là “SV Học viện Hàng không được miễn hoặc chuyển đổi kết quả kết quả thi TOEIC tại trung tâm sang điểm học phần tiếng Anh chính quy”. ALI còn đưa ra bảng quy đổi điểm từ học TOEIC của trung tâm sang học Anh văn chính quy cho SV tham khảo.
Tuy nhiên, sau khi biết thông tin Học viện Hàng không VN chưa có văn bản nào chấp thuận việc chuyển đổi kết quả TOEIC của trung tâm ALI sang học phần chính quy trong trường, nhiều phụ huynh, SV bày tỏ sự lo lắng. Có phụ huynh đã viết mail đến lãnh đạo học viện phản ánh với lời lẽ cho rằng với chương trình và sự tư vấn như trên, trung tâm ALI đã lừa đảo phụ huynh, SV.
Trong đơn thư phản ánh đến Dân trí, một phụ huynh (giấu tên) bức xúc phản ánh: “Cho đến bây giờ tôi được biết một số trường đại học quy định chuẩn đầu ra khi lấy bằng, chứ cả nước chưa có một trường đại học, cao đẳng nào cho phép sử dụng đạo tạo anh văn TOEIC tại trung tâm của trường sau đó chuyển đổi kết quả TOEIC của trung tâm sang học phần chính quy trong nhà trường, cùng với bản hợp đồng với số tiền rất lớn là 15 triệu. Đây là việc làm không đúng với quy định đào tạo đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục, thế mà ở đây trung tâm ALI của trường hàng không lai làm như vậy”.
Hiện giờ, những SV làm hợp đồng với trung tâm ALI không đi học Anh văn theo thời khóa biểu của trường vì cho rằng, học ở ALI thì không cần học ở chương trình chính quy. Các giảng viên ở trường thì thông báo nếu SV nghỉ quá số buổi quy định sẽ bị cấm thi, bắt học lại năm sau.
“ALI cầm đèn chạy trước ô tô”
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc trung tâm ALI cho biết, các hãng hàng không trong và ngoài nước đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên phải có trình độ tiếng Anh chuẩn TOEIC. Ví dụ, vị trí chuyên viên, TOEIC đạt 550 điểm; nhân viên phục vụ hành khách, bán vé giữ chỗ… điểm TOEIC 350; kiểm sát viên không lưu thì TOEIC đạt 400 điểm… Vì vậy, muốn trở thành nhân viên, chuyên viên hàng không, SV năm nhất nên bắt đầu học TOEIC để đạt chuẩn tiếng Anh sau khi tốt nghiệp.
Nhằm làm tăng giá trị SV khi ra trường, sau khi tham khảo các chương trình đào tạo ngoại ngữ của các trường khác, Trung tâm ALI đã xây dựng cho mình một chương trình ngoại ngữ chuẩn đầu ra cho các SV khóa mới. “Một hội đồng gồm Ban Giám đốc, Phòng Đào tạo, Khoa Cơ bản… đã tiến hành thảo luận nghiên cứu để cho ra chương trình dự thảo nhưng đến nay chưa có văn bản chính thức ban hành”, ông Sơn cho biết.
Chiều 2/10, PV Dân trí đã có cuộc nói chuyện với ông Dương Cao Thái Nguyên - Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam về chương trình đào tạo ngoại ngữ này. Ông Nguyên cho biết, hiện Học viện mới có chủ trương về chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho SV sao cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của ngành hàng không. Trong chủ trương “chuẩn ngoại ngữ” này, đang còn tranh cãi là có nên thi/không thi trong chương trình học ngoại ngữ chính quy khi SV đã học TOEIC ở trung tâm.
“Chủ trương là có chứ không phải là không có, nhưng đang trong dự thảo. Trường chưa ban hành văn bản chuẩn đầu ra, cũng như chưa có văn bản cho phép sử dụng đào tạo TOEIC tại trung tâm được chuyển đổi kết quả sang học phần chính quy. Ở đây, Trung tâm ALI đã cầm đèn chạy trước ô tô”, ông Nguyên khẳng định.
Để giải quyết việc này, ông Nguyên cho biết, trước khi khóa học bắt đầu, sẽ có buổi tư vấn lại một cách rõ ràng cho SV. Học viện sẽ cử cán bộ có trách nhiệm: Trưởng phòng Đào tạo, Phó Giám đốc… để tư vấn, nói rõ cho SV. Đây là chương trình học không bắt buộc. Hiện SV vẫn phải học ngoại ngữ theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT phê duyệt.
“Em nào có điều kiện và muốn tiếp tục học thì không nói gì. Còn em nào không điều kiện, muốn thôi học chương trình TOEIC này thì sẽ được trung tâm hoàn trả lại đủ số tiền đã đóng trước đó”, ông Nguyên khẳng định.
Công Quang