Trung Quốc: Thủ khoa ĐH bị đánh trượt vì khai man

(Dân trí) - He Chuanyang, thí sinh giành được số điểm cao nhất trong kì thi ĐH vừa qua của Trung Quốc đã đánh mất cơ hội trở thành sinh viên ĐH Bắc Kinh vì gia đình cậu đã nói dối về loại hình dân tộc của mình để được cộng thêm điểm ưu tiên.

Điều trớ trêu là He Chuanyang không cần đến số điểm ưu tiên này để được đỗ vào trường Đại học danh tiếng Bắc Kinh. Đồng thời, bố mẹ của cậu và những người khác vừa thú nhận đã nhúng tay vào vụ việc này cũng sẽ bị sa thải vì những thông tin sai lệch.
 
Trung Quốc: Thủ khoa ĐH bị đánh trượt vì khai man - 1

Kỳ thi tuyển sinh “khốc liệt” hàng năm được xem như là cuộc sát hạch “sống còn” của người Trung Quốc để được vào đại học.
 
Tuy nhiên, He Chuanyang không phải là học sinh duy nhất bị phát hiện đã khai man là người dân tộc thiểu số. Các quan chức của Trùng Khánh cho biết, họ đã phát hiện được 31 trường hợp khác cũng dùng cách tương tự và những trường hợp này cũng đã bị từ chối nhập học vào các trường đại học.

 

Trường hợp của He Chuanyang được đưa ra ánh sáng bởi điểm số của bài thi rất cao mà cậu đạt được. He Chuanyang học tại Trường Trung học Nankai đã đạt được 659 điểm trong kỳ thi tuyển sinh cam go vừa qua - số điểm cao nhất ở thành phố Trùng Khánh. Ngoài ra, nhờ khai man sắc tộc của mình mà cậu còn được cộng thêm 20 điểm ưu tiên.

 

Khi He Chuanyang 14 tuổi, bố mẹ cậu đã thay đổi loại hình dân tộc của cậu từ Hán sang Tujia (một dân tộc thiểu số của Trung Quốc) một cách bất hợp pháp để có đủ điều kiện như người của 55 dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc được hưởng những ưu đãi trong giáo dục và việc làm.


Khi Đại học Bắc Kinh tìm hiểu về bộ hồ sơ chuyển đổi, họ đã tuyên bố không thể cho He Chuanyang nhập học bởi cậu đã nói dối về dân tộc của mình.

 

Ông He Yeda, bố của He Chuanyang đã rời khỏi vị trí Trưởng phòng tuyển sinh thành phố Wushan sau khi báo chí vạch trần trò gian lận này. Trước đó, ông cũng tuyên bố cảm thấy hối tiếc vì việc làm sai trái và sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt.

 

Tờ tin tức Xinhua hôm qua đưa tin, mẹ của He Chuanyang cũng đã bị cắt chức Phó phòng tổ chức thuộc Đảng ủy thành phố Wushan.

 

Wan Minqiang, chủ tịch hội đồng khoa học của Wushan cũng bị sa thải vì cũng có dính líu vào vụ việc này. Ông Wan trước đây từng đứng đầu Cục các vấn đề dân tộc và tôn giáo đã phê chuẩn đơn đề nghị của cấp trên để thay đổi loại hình tôn giáo của He Chuanyang.

 

Mặc dù thừa nhận việc gian lận, mẹ của He Chuanyang cũng nói rằng hành động của trường đại học Bắc Kinh là bất công.

 

“Đó là lỗi lầm chúng tôi làm cách đây đã ba năm, lúc đó He Chuanyang mới chỉ 14 tuổi và không biết một chút gì về quyết định của chúng tôi”, bà nói.

 

Trường hợp này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng, một số thể hiện sự thông cảm cho cậu bé và đổ lỗi cho hệ thống giáo dục hiện thời. 


Theo một cuộc khảo sát của QQ.com, một trong những website hàng đầu Trung Quốc thì 43,8% người tham gia bày tỏ sự ủng hộ He Chuanyang và cho rằng cậu xứng đáng được nhận vào học vì điểm số tuyệt vời đã đạt được trong kì thi, trong khi đó, 26% người tham gia nghĩ rằng nên cho He Chuanyang một cơ hội khác bằng một bài thi lại.

 

Võ Hiền

TheoCRI