1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Chính phủ Mỹ - ĐH Harvard

Trung Quốc soạn thảo luật xử phạt gian lận thi cử

Luật mới sẽ định rõ cách thức xử phạt chi tiết cho tội gian lận và một số vi phạm nghiêm trọng khác như giám thị che giấu hành vi gian lận, hay gian lận có tổ chức sẽ bị coi như một tội danh. Những tội phạm nghiêm trọng có thể bị đối xử như tội phạm hình sự.

Một luật mới chỉnh đốn hoạt động thi cử đã được các chuyên gia luật Trung Quốc soạn thảo hiện đang được cơ quan lập pháp thảo luận và thu thập ý kiến công chúng. Nếu được thông qua, luật này sẽ trở thành luật đầu tiên của Trung Quốc về thi cử và đánh giá giáo dục.

 

Trung Quốc có số thí sinh nhiều nhất thế giới với hơn 30 triệu người dự các loại kì thi khác nhau hàng năm. Tuy nhiên nước này chưa có một luật riêng xử phạt các vi phạm về vấn đề thi cử. Bộ Giáo dục đã lập một nhóm chuyên trách soạn thảo luật hồi tháng 9/2004.

 

Trong các kì thi, căng thẳng nhất vẫn là kì thi tuyển sinh đại học được tổ chức từ 7-9 tháng 6 hàng năm. Kì tuyển sinh 2005 vào ngày 7/6 năm nay có hơn 8,6 triệu học sinh tốt nghiệp trung học tham gia. So với năm 2004 tăng 1,44 triệu thí sinh. Năm 2001, tổng số thí sinh đại học ở mức 4,53 triệu.

 

Năm ngoái, hạt Zhenping, tỉnh Hồ Nam, đã bóc gỡ một đường dây gian lận thi cử tuyển sinh đại học. 5 người bị bắt giữ trong đó có một số tú tài và thanh niên không nghề nghiệp. Cảnh sát đã thu giữ điện thoại di động và một số thiết bị khác để chuyển lời giải vào cho thí sinh tại nhà Shao Jiang, kẻ cầm đầu đường dây gian lận này.

 

Cũng vào năm ngoái, một số thí sinh dự kì thi quốc gia tại Zhenping đã bị bắt khi đang nhận lời giải qua điện thoại di động. Thủ đoạn sử dụng công nghệ cao là phổ biến nhất trong gian lận thi cử. Thông thường có một nhóm chờ bên ngoài chờ đề gửi ra và giải thật nhanh, lời giải được gửi lại cho thí sinh bên trong đồng thời được phát tán lên mạng Internet cho những người đặt hàng. Mỗi bản copy lời giải thường được rao bán với giá khoảng 1000 tệ (120 USD). Điều trớ trêu là nhiều phụ huynh mua lời giải đã phàn nàn rằng lời giải không hoàn toàn chính xác. Tại Zhenping, việc điều tra gian lận được mở rộng tới 4.400 thí sinh tham dự ở 150 phòng thi.

 

Theo các chuyên gia giáo dục Trung Quốc, công nghệ hiện đại đã biến thành một công cụ hữu dụng cho những học sinh gian lận thi cử mặc dầu lối quay cóp kiểu cổ chưa phải đã biến mất. Trong một cuộc nghiên cứu thực hiện tại một trường đại học ở tỉnh Zhejiang, phía đông Trung Quốc, một nửa trong số 900 sinh viên được hỏi nói họ đã gian lận thi cử ít nhất 1 lần. 80% những người gian lận không bị bắt và nói rằng “nếu tôi không bị phát hiện, tôi sẽ lại gian lận”.

 

 

Theo Hải Hà

Giáo Dục Thời Đại