Trung Quốc: Phụ huynh phản đối việc bị giao làm bài tập cùng con
(Dân trí) - Gần đây, một cuộc khảo sát tại Trung Quốc cho thấy 57% phụ huynh cho rằng nhà trường không nên giao nhiệm vụ bắt buộc làm bài tập cùng con cho cha mẹ mà nên dựa trên tinh thần tự nguyện.
Phụ huynh phải học bài cùng con
Cô Yên Hiểu hiện đang sống ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và là mẹ của một bé gái 5 tuổi. Dạo gần đây, cô đang bận rộn với hoạt động "Danh mục 21 ngày đọc sách" do trường mẫu giáo của con phát động tổ chức.
Nhằm khuyến khích trẻ hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, trường mầm non của con gái cô đã lên kế hoạch và tổ chức hoạt động "Danh mục 21 ngày đọc sách" này, trong đó, cha mẹ của các bé đóng vai trò rất quan trọng.
Trước tiên, cô cần chọn lọc những cuốn sách bổ ích để đọc cho con, đồng thời lập "kế hoạch đọc sách" theo các đầu sách và nộp cho lớp mẫu giáo. Hàng ngày sau khi tan làm, cô sẽ cùng con ngồi vào bàn học và đọc sách cùng nhau.
"Trẻ nhỏ vẫn chưa thể tự đọc sách, vì vậy việc đọc sách cùng con về cơ bản là do tôi đọc cho con nghe. Ngoài ra, tôi cũng sẽ nói với con bé cách đánh vần và cách đọc các chữ trong sách ấy", cô chia sẻ. Theo yêu cầu của trường, mỗi ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ đọc sách thì Yên Hiểu sẽ đánh dấu trong "Danh mục đọc sách" và đăng lên mạng xã hội để lan tỏa tinh thần này tới mọi người.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm điều tra xã hội Báo Thanh niên Trung Quốc thực hiện đặt câu hỏi: Liệu nhà trường có nhất thiết phải giao các nhiệm vụ học tập cho phụ huynh học sinh? Chỉ có 17% số người được hỏi đồng tình với ý kiến này, 56,6% số người được hỏi lại cho rằng điều này không cần thiết và 26,4% số người được hỏi chọn không trả lời câu hỏi này.
Giao bài tập về nhà cho phụ huynh
Con trai của anh Trần Cát Lịch năm nay mới vào lớp 6. Tuy nhiên, nhà trường lại thường xuyên yêu cầu phụ huynh kiểm tra và ký tên sau mỗi bài tập về nhà của học sinh.
Anh cho biết khi trẻ còn học tiểu học, bài tập về nhà của con chỉ là các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản, cùng lắm là một số bài toán vận dụng nâng cao hơn.
Nhưng khi con học cấp 2, anh cảm thấy độ khó của kiến thức đã tăng lên rất nhiều, tuy hiện tại anh vẫn có thể dạy kèm cho con nhưng sau này nếu con học các lớp cao hơn thì áp lực đối với các bậc phụ huynh sẽ rất lớn.
Trần Cát Lịch chia sẻ rằng anh hiểu phương pháp "giao bài tập về nhà cho phụ huynh" của trường. Bởi lẽ cha mẹ rất cần tiếp xúc và trao đổi nhiều hơn với con cái, và sự dạy bảo của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của con. Vì vậy, anh rất sẵn lòng trong việc kiểm tra bài tập và dạy kèm cho con.
Nhưng theo anh, tiền đề của những điều này là các bậc phụ huynh cần có năng lực dạy kèm con, kiến thức mà trẻ con học sẽ càng ngày càng khó, vì vậy cha mẹ cũng sẽ dần cảm thấy bất lực với việc kèm cặp này.
Theo khảo sát, 34,6% số phụ huynh được hỏi tin rằng điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn và 29,5% số người được hỏi cho rằng gia đình nên cố gắng hết sức để phối kết hợp cùng nhà trường.
Tuy nhiên, 57% ý kiến lại cho rằng nhà trường không nên giao nhiệm vụ mang tính bắt buộc cho các bậc cha mẹ mà nên dựa trên tinh thần tự nguyện, 31,2% ý kiến cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới những trẻ sinh ra trong gia đình không được trọn vẹn.
Cô Trương Xuân Linh, giáo viên chủ nhiệm một lớp tiểu học ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc cho rằng, phụ huynh có thể sẽ cảm thấy nếu nhà trường giao cho họ những nhiệm vụ này thì giáo viên sẽ bớt được rất nhiều việc, nhưng thực tế thì không phải vậy.
"Mặc dù phụ huynh được yêu cầu kiểm tra bài tập về nhà của con, nhưng giáo viên vẫn sẽ có trách nhiệm đọc lại bài tập một cách kỹ càng vào hôm sau", cô chia sẻ.
Theo cô, lý do quan trọng mà phụ huynh cần kiểm tra bài tập của con là để phụ huynh có thể hiểu được tình hình học tập của con mình ở trên trường. Có thể nói, kiểm tra bài tập về nhà là cách tốt nhất và trực tiếp nhất giúp nâng cao sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Nhà trường không muốn việc giáo dục ở trường và ở nhà bị tách rời lẫn nhau.
Đối với áp lực của phụ huynh trong quá trình này, với tư cách là một giáo viên, cô Linh cho biết hiện giờ nhà trường rất ít khi bắt phụ huynh phải hoàn thành nhiệm vụ nào đó với con, dù sao hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau, có rất nhiều học sinh nội trú không phải ngày nào cũng được gặp bố mẹ.