Trung Quốc đặt mục tiêu là điểm đến hàng đầu về du học ở châu Á

(Dân trí) - Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến được yêu thích nhất ở châu Á với sinh viên quốc tế - bà Liu Yandong, Ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vừa cho biết tại một hội nghị được tổ chức tại Trường đại học danh tiếng Thanh Hoa.

Bà Liu Yandong, cũng là một cựu sinh viên của ĐH Thanh Hoa, cho biết để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đang mở rộng số lượng sinh viên gửi đi du học tại các nước cũng như số lượng sinh viên đến học tại Trung Quốc thông qua các chương trình hợp tác quốc tế với Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á. Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng số lượng và quy mô học bổng để thu hút sinh viên nước ngoài.

Trước đó, vào đầu năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sẽ lên kế hoạch thực hiện các chương trình hợp tác giáo dục để “kéo” 500.000 sinh viên nước ngoài tới Trung Quốc đến trước năm 2020.

Trong đó, số lượng sinh viên Mỹ tại Trung Quốc chiếm nhiều nhất trong số sinh viên nước ngoài du học Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh và Washington đang hợp tác để đưa 100.000 sinh viên Mỹ tới Trung Quốc trong vòng 4 năm nữa.
 
Trung Quốc đặt mục tiêu là điểm đến hàng đầu về du học ở châu Á  - 1
Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành điểm đến du học hàng đầu ở châu Á. Trong ảnh: Sinh viên nước ngoài học tại Trung Quốc chụp ảnh tại một siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh.

Đầu tháng này, trong chuyến thăm Washington, bà Liu cho biết Bắc Kinh sẽ cấp 10.000 học bổng cho sinh viên Mỹ đến học tại Trung Quốc. Zhang Xiuqin, giám đốc Sở Hợp tác và trao đổi quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết năm 2010, chính phủ trung ương Trung Quốc đã cấp học bổng tổng trị giá 800 triệu nhân dân tệ (123 triệu USD) cho sinh viên Mỹ đồng thời các chính quyền địa phương cấp các suất học bổng có tổng trị giá 110 triệu nhân dân tệ.

Trong năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cấp học bổng cho 22.390 sinh viên quốc tế, tăng 22,7% so với năm 2009. Kéo theo đó, số lượng sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc tăng mạnh, đạt mức kỷ lục hơn 260.000 sinh viên trong năm 2010, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Bà Liu cũng cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện thái độ "không khoan nhượng" với việc sao chép về học thuật tại các trường đại học. Bà Liu cũng thừa nhận rằng sinh viên Trung Quốc có lợi thế "chăm chỉ" và có "nền tảng kiến thức vững" nhưng yếu về "khả năng sáng tạo" và "khả năng thực hành".

"Chúng ta nên khuyến khích sinh viên suy nghĩ độc lập, có những kỳ vọng lớn và không màng tới sự nổi tiếng và giàu có", bà Liu cho hay.

Xuân Vũ
Theo ChinaDaily