Triết lý nuôi dạy con vừa thành công vừa hạnh phúc

(Dân trí) - Cha mẹ nào cũng mong mỏi nuôi dạy được những đứa con vừa thành công vừa hạnh phúc. Nhưng không dễ để đạt được cả hai điều đó. Theo nhiều chuyên gia giáo dục và tâm lý, để con vừa thành công vừa hạnh phúc, cha mẹ phải áp dụng một triết lý dạy con nhất quán ngay từ đầu.

Trong một bài phỏng vấn mới đây trên báo Tiền phong, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho rằng dạy con thành công rồi mà con không cảm thấy hạnh phúc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Lời khẳng định của TS Lê Nguyên Phương cho thấy chỉ khi nào thành công và hạnh phúc đi liền với nhau thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Nhìn ra ngoài cuộc sống, chúng ta không khó tìm thấy các ví dụ về nhiều những người thành công nổi trội trong sự nghiệp, kinh doanh, họ có một số tiền lớn đảm bảo cho cuộc sống giàu sang, nhưng họ vẫn không hạnh phúc. Và nhiều khi họ tìm vui trong những trò giải trí triền miên, những hoạt động để “xốc” lại tâm trạng như ăn uống, mua sắm bạt mạng… Thế mới thấy để vừa thành công vừa hạnh phúc là một điều rất khó.

Cha mẹ nào cũng mong mỏi nuôi dạy được những đứa con vừa thành công vừa hạnh phúc. (ảnh minh họa)
Cha mẹ nào cũng mong mỏi nuôi dạy được những đứa con vừa thành công vừa hạnh phúc. (ảnh minh họa)

Vậy làm thế nào để ngay từ khi con còn nhỏ, các bậc cha mẹ có thể có “chiến lược” để nuôi dạy được những đứa con vừa thành công vừa hạnh phúc khi con trưởng thành?

Tôi nghĩ rằng, sở dĩ chúng ta “lạc lối” trong quá trình tìm kiếm thành công là vì chúng ta đã định nghĩa sai về thành công. Chúng ta coi thành công tức là đuổi theo những thành tựu của người khác, chúng ta lấy tiêu chuẩn của người khác để áp vào bản thân mình. Trong khi đó, mỗi người lại có những thế mạnh khác nhau. Do vậy, khi theo đuổi thành công của người khác, chúng ta dễ bị “hụt hơi”, mất sức. Thậm chí, kể cả khi chúng ta có với tới mức thành công như người khác, thì chúng ta đã làm rơi rớt những niềm vui, hạnh phúc trong quá trình theo đuổi ấy, nhất là khi chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu một cách bất chấp, kể cả làm những việc trái đạo đức.

Thành công theo kiểu đó không được gọi là thành công vì cái giá của nó quá đắt, và thành công theo kiểu đó chắc chắn không thể mang lại hạnh phúc.

Vậy, phải dạy con tiến tới thành công như thế nào để đảm bảo rằng con vẫn hạnh phúc trong quá trình đó và cả khi đạt mục tiêu đã đặt ra?

Đến nay, có nhiều chuyên gia giáo dục đã từng định nghĩa về thế nào là nuôi dạy con thành công, và tôi thấy định nghĩa này của Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Laura Markham (Mỹ) rất bao quát: Nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công không nhất thiết phải theo nghĩa là chúng sẽ gặt hái được nhiều thành tựu được xã hội công nhận, mà theo nghĩa là chúng luôn biết khám phá, trân trọng và chia sẻ giá trị riêng của bản thân trong suốt cuộc đời.

Cùng quan điểm đó, Tiến sĩ, bác sĩ Shimi Kang (Canada) khẳng định, thành công thực sự trong thế kỷ 21 là khả năng trở nên khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công dựa trên việc cống hiến cho cộng đồng thông qua việc mình làm, giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Và việc cống hiến cho thế giới thông qua những tài năng độc đáo của chúng ta còn mang lại thêm một lợi ích khác nữa, đó là nó tạo động lực mạnh mẽ cho chúng ta.


Thành công dựa trên việc cống hiến cho cộng đồng thông qua việc mình làm, giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. (Ảnh minh họa: Lớp học ở Phần Lan)

Thành công dựa trên việc cống hiến cho cộng đồng thông qua việc mình làm, giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. (Ảnh minh họa: Lớp học ở Phần Lan)

Theo nhà tâm lý học Tal Ben-Shahar, giáo sư nổi tiếng của Đại học Harvard, muốn có một cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta phải có một mục đích do mình tự đặt ra và có ý nghĩa với cá nhân mình hơn là (mục đích) bị quy định bởi những tiêu chuẩn và kỳ vọng của xã hội. Xét như vậy, việc nuôi dạy con theo quan điểm cống hiến cho cộng đồng bằng tài năng độc đáo của riêng mình sẽ giúp con sống theo mục đích có ý nghĩa của bản thân, chứ không phải bị thúc đẩy bởi người khác. Nhờ đó con sẽ có cuộc sống ý nghĩa, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Quy luật mục đích cuộc đời

Việc phục vụ người khác bằng tài năng đặc biệt của mình được tác giả, diễn giả, bác sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ Deepak Chopra gọi là quy luật mục đích cuộc đời, và là một trong "7 quy luật tinh thần của thành công" mà ông trình bày trong cuốn sách cùng tên.

Trong cuốn sách này, bác sĩ Deepak Chopra (sinh năm 1946, được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật của thế kỷ 20) chia sẻ rằng ông nuôi dạy hai con ngay từ nhỏ với lối tư duy rằng mỗi người có một tài năng đặc biệt duy nhất và cách thức đặc biệt duy nhất để bộc lộ nó.

Khi con còn nhỏ, ông Deepak Chopra đã nói với các con nhiều lần rằng con có mặt trên đời này là có lý do, và con phải tự tìm ra lý do đó cho mình. Ông bảo các con hãy tự hỏi mình làm thế nào để phục vụ được mọi người, và hãy tự hỏi xem đâu là tài năng đặc biệt của các con.

Bác sĩ Deepak Chopra cho biết, khi lớn lên, các con ông đã vào học ở những trường danh tiếng nhất, đạt những điểm số cao nhất "vì chúng chú tâm vào việc chúng có mặt trên đời này là để cho đi thứ gì".

Bác sĩ Deepak Chopra (giữa) và con trai Gotham Chopra (hiện là tác giả, nhà làm phim, doanh nhân) cùng con gái Mallika Chopra (hiện là tác giả, doanh nhân).
Bác sĩ Deepak Chopra (giữa) và con trai Gotham Chopra (hiện là tác giả, nhà làm phim, doanh nhân) cùng con gái Mallika Chopra (hiện là tác giả, doanh nhân).

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Chọn ngành, chọn nghề

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm