Tri thức trẻ vì giáo dục 2018: 15 ý tưởng hay vì giáo dục sắp tranh tài ở chung kết
(Dân trí) - Ngày 9/11 sắp tới, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” sẽ tổ chức vòng thi chung khảo để lựa chọn ra tối đa 5 công trình xuất sắc nhất để trao giải 100 triệu đồng/công trình.
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục 2018” do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm khuyến khích các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho ngành giáo dục. Năm 2018 là năm thứ ba chương trình được triển khai.
Ở vòng thi chung kết sắp tới, tác giả của 15 công trình được chọn vào vòng chung kết sẽ có tối đa 5 phút trình bày trước Hội đồng chung khảo về công trình/sáng kiến của mình. Sau đó, các tác giả phải trả lời các câu hỏi phỏng vấn của Ban Giám khảo. Dựa trên phần trình bày và phần phản biện này, ban giám khảo sẽ chọn ra tối đa 5 công trình xuất sắc nhất để trao giải thưởng 100 triệu đồng/giải, các công trình còn lại nhận giải thưởng 10 triệu đồng/giải. Tính mới và tính khả thi sẽ là tiêu chí để hội đồng chung khảo sẽ chọn ra các công trình xuất sắc nhất.
Thành viên Hội đồng chung khảo gồm những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực giảng dạy, quản lý giáo dục, phản biện xã hội. Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên chương trình mời thêm một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, hội đồng chung khảo bao gồm:
1. TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông.
3. TS. Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. GS.TS Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
5. Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup.
Đồng hành cùng chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” suốt những năm qua, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hầu hết các sản phẩm vào vòng chung kết của năm 2016 và 2017 có tính khả thi cao và kỳ vọng rằng ban tổ chức sẽ hỗ trợ tối đa để các công trình này ứng dụng vào dạy học.
Chương trình sẽ công bố các công trình xuất sắc trong Lễ trao giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 diễn ra vào tối ngày 11/11/2018 tại Hà Nội.
Top 15 công trình xuất sắc nhất Tri thức trẻ vì giáo dục 2018.
Trước đó, vào cuối tháng 11, từ hơn 400 công trình dự thi, ban giám khảo sơ khảo “Tri thức trẻ vì giáo dục 2018” đã chọn ra 15 công trình xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
Đánh giá về 15 công trình vào vòng chung kết, ông Đỗ Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên Hội đồng sơ khảo Tri thức trẻ vì giáo dục 2018 cho biết: “Theo tôi, các công trình năm nay có chất lượng tốt, chủ yếu khắc phục hạn chế hiện nay của ngành và đề xuất ý tưởng mới để nâng cao chất lượng dạy học”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn đánh giá cao chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục.
Đánh giá về hiệu quả chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” sau hai năm đầu tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn đánh giá rằng có rất ít cuộc thi mà sau hai năm tổ chức lại có được sức lan tỏa, số lượng thí sinh và công trình dự thi rộng rãi như vậy. Tri thức trẻ vì giáo dục là cuộc thi mà tác giả phải trăn trở, thử nghiệm, đầu tư nhiều thời gian công sức, trí tuệ, tiền bạc.
Đại diện ban tổ chức chương trình, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết thêm: "Không chỉ thu hút số lượng bài dự thi lớn, điểm nổi bật của cuộc thi năm 2018 là thu hút đa dạng đối tượng tham gia. Đông đảo các giáo viên, du học sinh nước ngoài và các học sinh đã gửi các sáng kiến/ý tưởng hay về công trình, trong đó có những em học sinh chỉ mới học lớp 5. Đặc biệt, không chỉ nhận được sự quan tâm của trí thức trẻ trong ngành, chương trình còn thu hút nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với nhiều giải pháp công nghệ hữu ích cho ngành giáo dục”.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết năm nay, chương trình nhận được sự tham gia của nhiều đối tượng từ giáo viên, học sinh, du học sinh, người trẻ khởi nghiệp.