Trẻ mầm non không chịu quay lại trường sau Tết
(Dân trí) - Với nhiều trẻ nhỏ, việc quay lại trường sau kỳ nghỉ Tết dài cũng "vật vã", gian nan như ngày đầu đến trường.
Nghe hai chữ "đi học" là khóc
Hai ngày liền đưa cô con gái 3 tuổi quay lại trường mầm non sau hơn nửa tháng nghỉ Tết, vợ chồng anh Chung, ở quận Bình Thạnh, TPHCM đã bất lực đưa con quay trở về.
Cháu khóc từ ở nhà, đêm hôm trước khi nghe nói ngày mai đi học đã lăn ra khóc. Cháu kể lể bạn Nghiên, bạn Su cũng không đi học... rồi giả ho khụ khụ nói Con bệnh rồi không đi học được.
Sáng dậy chuẩn bị đi học là cháu lề mề không chịu rửa mặt, không chịu mặc quần áo, đi giày dép, anh Chung bực mình, gắt ầm lên. Đưa được đến trường thì trễ giờ, cháu bắt đầu ôm cổ, giằng áo bố gào khóc. Khi vào lớp, cháu lại chạy ra rồi hai bố con dắt nhau về.
Đến sáng nay, cháu lại tiếp tục khóc, phản ứng rất mạnh với việc quay lại lớp. Vợ anh đã ra ngoài chờ gần một tiếng đồng hồ quay lại thấy cháu vẫn còn khóc nên lại một lần nữa tiếp tục đưa con trở về.
"Những ngày đầu năm này nhiều bé khóc từ ngoài cổng vào, trong lớp cô giáo phải ôm lấy những bé khóc nức nở. Riêng con tôi, phải nói cháu không không thiện cảm với việc đi học nên con phản ứng rất mạnh", ông bố bộc bạch.
Anh Chung dự tính có thể mất một tuần đầu cháu mới chấp nhận việc đi học trở lại. Nhưng từng đó thời gian cũng đủ cho bố mẹ bơ phờ khi dỗ đành, đưa đón, thu xếp ở nhà trông con.
Đây cũng là tình cảnh của rất nhiều gia đình có con nhỏ sau đợt nghỉ Tết dài. Ở trường mầm non, giáo viên (GV) cũng tất bật hơn, vất vả hơn để đón trẻ khi nền nếp đi học ngày thường đang tạm bị phá vỡ. Chưa kể đây cũng là thời điểm nhiều trẻ mới lần đầu đến trường nên ít nhiều khó khăn hơn cho GV, phụ huynh và cả trẻ.
Tránh hù dọa, quát mắng trẻ
Cô Nguyễn Thị Thanh, GV mầm non ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết, với các bé mầm non, các em dễ thích nghi quay lại lớp nhưng với lớp nhà trẻ thì vất vả hơn nhiều. Sau kỳ nghỉ dài, các con không thích đến lớp, nhiều bé có các biểu hiện mệt mỏi khi sinh hoạt thời gian qua bị đảo lộn.
"Có cháu đến giờ ngủ khóc, đến giờ các bạn dậy lúc 1 - 2 giờ chiều lại ngủ. Chỉ gặp một hai trẻ quấy thôi là các cô cũng đuối, rất khó để bao quát hết được toàn bộ khi lớp rất đông... nhất là với GV trẻ ít kinh nghiệm thì sẽ khó khăn, mệt mỏi", cô Thanh chia sẻ.
Cô Phạm Thị Huệ, GV Trường mầm non 3 (Q.11, TPHCM) bộc bạch, sau kỳ nghỉ Tết dài khó khăn nhất với trẻ nhỏ là khóc nhè không muốn đi học, nề nếp thói quen sinh hoạt bị xáo trộn. Lúc này, đòi hỏi cô giáo phải dỗ dành, tập lại các thói quen hàng ngày cho trẻ.
Những ngày sau Tết, theo cô Huệ, GV chủ yếu "bày trò" cho các cháu như kể chuyện, xếp đồ chơi, đưa vào nếp sinh hoạt để trẻ yêu thích lại việc đến trường trước rồi bắt nhịp vào chương trình. GV quá cứng nhắc theo chương trình thì vừa khổ cô vừa tội trẻ.
Một khía cạnh khác cô Phạm Thị Huệ nhấn mạnh, chính là tâm thế của phụ huynh. Phụ huynh có hiểu biết sẽ chuẩn bị tâm lý trước ngày đến trường cho con, đưa con đến lớp với sự tự tin, vui vẻ, động viên ... giúp trẻ an tâm. Tránh việc quát mắng, hù dọa làm trẻ càng sợ đi học. Còn nếu phụ huynh không thể làm gì thì theo cô Huệ, tốt nhất để trẻ lại cho cô rồi... "bỏ chạy", tránh nhùng nhằng làm trẻ càng mè nheo.
Cô Huệ cười vui: "Nói vậy thôi chứ trẻ bắt nhịp rất nhanh, chỉ tuần này thôi sang tuần là ổn rồi".
Tại Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TPHCM), để giúp trẻ mầm non không không bị "mất nhiệt" sau kỳ nghỉ Tết, ngày học đầu tiên của năm mới, các GV ra trước cổng trường chào đón học sinh.
Điều này tạo được không khí gần gũi, vui tươi cho trẻ khi quay lại lớ và cũng để kịp thời dỗ dành, động viên những trẻ còn "bám" bố mẹ.
Hoài Nam