Bạn đọc viết:
Trẻ mầm non bị bạo hành: Vẫn lo nhưng đừng bi quan!
(Dân trí) - Nỗi lo trẻ mầm non bị bạo hành có lẽ đang dâng cao trong xã hội khi hàng loạt vụ bạo hành trẻ bị đưa ra ánh sáng. Gần đây nhất là hình ảnh một cô hiệu trưởng dốc ngược trẻ dọa ném qua cửa sổ ở một cơ sở mầm non tư thục tại TPHCM.
Không trách được phụ huynh khi họ bật thốt một cách tuyệt vọng: “Thà con thất học còn hơn”. Nhưng đó liệu có phải là một lựa chọn tối ưu?
Tình yêu thương con cháu thì ai cũng có. Sinh con ra, nâng niu trong vòng tay từ tấm bé đã quen. Đến tuổi các cháu đi nhà trẻ, mầm non, nỗi lo lắng và bất an trong khoảng thời gian con trẻ rời xa vòng tay bố mẹ, ông bà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Nhưng nên chăng cứ mãi ôm ấp, bao bọc trẻ vì sợ cháu bị bạo hành? Điều đó hoàn toàn không nên, bởi không phải ở đâu cũng bạo hành trẻ. Và trẻ sẽ học được nhiều điều, sẽ trưởng thành hơn trong môi trường tập thể.
Cháu gái tôi đã đến trường được hai năm và nỗi lo trong lòng chúng tôi cũng đã vơi dần theo thời gian. Thú thật, gia đình tôi rất thương yêu cháu và nấn ná mãi đến lúc cháu ba tuổi mới cho đến lớp. Dù vậy, trong những ngày đầu tiên, sáng nào cháu khóc òa là mẹ cháu lại thút thít và người bà là tôi rơm rớm theo. Dù hai mẹ con tôi đã quyết tâm và động viên nhau là cháu sẽ ổn nhưng nhiều lúc lòng chúng tôi lung lay lại muốn cho cháu nghỉ học, tiếp tục ở nhà bà giữ cháu.
Chúng tôi lo cháu ăn uống không đủ lượng đủ chất, lo cháu không hòa nhập được với tập thể và lo hơn cả là chuyện cô giáo có đánh mắng gì không... Tôi và mẹ cháu đã chia lượt đi “rình” xem cháu ở trường thế nào. May là ngôi trường cháu học sát vách với trạm y tế phường. Chỉ cần rướn người qua hàng rào bê tông là có thể thầy ngay lớp cháu đang học và quan sát được mọi hoạt động.
Hai mẹ con mất gần một tháng “rình mò” như thế mới yên tâm phần nào, đến nỗi mà những nhân viên trạm y tế quen mặt, thấy chúng tôi là lại bật cười.
Khi những rào cản tâm lý ban đầu đã vượt qua, chúng tôi nhận ra mình đã đúng khi không ôm ấp cháu quá mức như trước. Ba tuổi, lần đầu tiên về nhà cháu tự cầm hộp sữa và hút sạch thay vì trước đây người lớn phải đút từng muỗng. Cháu tập tành cầm muỗng xúc cơm ăn, dù chưa thành thạo lắm. Cháu hát hò, tập thể dục một cách bài bản. Cháu kể chuyện véo von suốt ngày và năng động, hoạt bát hơn hẳn…
Chúng tôi đã rất mừng về những đổi thay tích cực từ cháu, bởi càng về sau có lẽ cháu sẽ càng khó hòa nhập tập thể, khó làm quen nề nếp lớp học.
Dù vậy, nỗi lo cháu bị bạo hành vẫn canh cánh trong lòng. Như nhiều phụ huynh khác, giữa vô số câu hỏi về chuyện trường lớp, gia đình thường lồng ghép câu hỏi: “Hôm nay cô giáo có đánh mắng gì con không?”. Nhận được câu trả lời phủ định của cháu, mọi người nhẹ cả lòng. Nhưng các bạn cháu thì không như vậy, cô giáo vẫn dùng hình phạt khẽ roi vào tay, vào mông, bắt đứng úp mặt vào tường khi một số bạn quá quậy phá, nghịch ngợm.
Những hình phạt đó chúng ta có thể thông cảm được. Đâu phải đứa trẻ nào đến lớp cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô, nhất là các cháu trai thường nghịch ngợm và lì quá giới hạn. Ngay đến nhiều bố mẹ cũng phải cho roi vọt mới trị được con cái thì việc cô giáo dùng roi để đưa trẻ vào nề nếp lớp học là điều hiển nhiên.
Tất nhiên là cô giáo không được lạm dụng đòn roi, không sử dụng các “ngón đòn” ghê sợ như tát vào mặt, thúc gối vào bụng, xịt nước tới tấp vào mặt… như thời gian qua thì nỗi lo của bố mẹ đã không ám ảnh nhiều đến thế. Nói thế để thấy rằng không phải lúc nào trường mầm non cũng an toàn, không phải cô giáo mầm non nào cũng yêu thương trẻ. Nhưng công tâm mà xét, những bảo mẫu như “ác mẫu” thời gian qua chỉ là thiểu số, là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Chúng ta không thể quy chụp tất cả trường mầm non đều đáng sợ, tất cả giáo viên mầm non đều bạo hành trẻ và trẻ “thà thất học còn hơn”.
Do hoàn cảnh, không phải trẻ nào cũng đợi đến ba tuổi mới đi học để có nhận thức đầy đủ hơn về trường lớp và có thể kể cho phụ huynh nghe tất tần tật mọi việc. Nhưng tôi vẫn mong bố mẹ trẻ đừng quá bi quan về việc cháu đến trường mầm non sớm cũng như mất niềm tin vào đạo đức của giáo viên.
Vấn đề là hệ thống trường mầm non công lập còn ít so với nhu cầu thực tế, công tác quản lý, giám sát số trường mầm non tư thục chưa được chặt chẽ… Tất cả đều cần một kế hoạch tổng thể của các ban ngành, cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình, trấn an nỗi lo của dư luận xã hội. Tất cả đều vì tương lai của con trẻ!
Thùy Mai