Trẻ không tổn thương vì giấy khen mà vì cách ứng xử của người lớn
(Dân trí) - Nhiều người lo lắng đứa trẻ trong bức ảnh "cả lớp giơ giấy khen, mình em lẻ loi" bị tổn thương vì không được giấy khen. Nhưng chưa hẳn!
Khi nhìn bức ảnh, cả lớp có giấy khen, một mình em không có, nhiều người mủi lòng đề xuất, giáo viên nên nghĩ ra một mặt nào đó của em để tặng giấy khen. Tuy nhiên, đây là điều không nên và cũng không cần thiết. Giáo dục không quy định 100% học sinh phải được giấy khen nên việc nhiều hay một học sinh chưa được giấy khen là bình thường.
Dù rằng bây giờ ở tiểu học khen ở nhiều mặt nhưng thực tế, khả năng đánh giá năng lực học sinh trong trường học là có hạn, giáo dục chưa bao quát hết mọi lĩnh vực. Học trò chưa đáp được được các yêu cầu, một mặt nào đó trong các chỉ tiêu lẫn khả năng đánh giá ở trường... thì không được giấy khen.
Chẳng hạn một học sinh có lợi thế về thể thao, trong thể thao cũng có muôn vàn bộ môn, em có thế mạnh về bơi lội. Nhưng ở trường không có hồ bơi, chưa dạy môn bơi... thì trường không thể tặng giấy khen cho em.
Chưa kể, hiện nay trong trường tiểu học còn nhiều hình thức khen ngợi, khích lệ bằng lời, bằng nhận xét.
Giấy khen không phải là một đồ vật có phân phát đại trà hay bình thường hóa. Nó là kết quả của một hành trình và khả năng đánh giá học sinh trong trường học hiện nay là có giới hạn.
Còn việc những học sinh được giấy khen có xứng đáng hay không lại là phạm trù khác, trách nhiệm đó thuộc về người lớn. Chúng ta vì xót xa cho một học sinh không được giấy khen mà quay sang làm... tổn thương những học sinh khác là đã gặp luận điệu "con cáo và chùm nho còn xanh".
Dạy cho trẻ lòng tự trọng, không bon chen, tham lam, không nhận những thứ không thuộc về mình; dạy cho trẻ biết chia vui với niềm vui của người khác, ghi nhận nỗ lực của người khác hơn là tủi thân là việc rất quan trọng. Cần thiết hơn bất kỳ điểm số, giấy khen nào.
Trẻ cũng cần hiểu, con có những khả năng khác. Còn con muốn đạt giấy khen theo những tiêu chí đánh giá của trường thì con cần nỗ lực, cố gắng hơn.
Trẻ khó bị tổn thương vì một tờ giấy khen nhưng lại rất dễ tổn thương với cách cư xử của người lớn.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, từng tu nghiệp tâm lý lâm sàng trẻ em tại Pháp cho hay, nói trẻ sẽ mặc cảm, đau khổ vì ai cũng có giấy khen mà mình thì không, e rằng chúng ta đánh giá quá cao giá trị của giấy khen. Chúng ta nghĩ như thế vì chúng ta suy bụng người lớn ra bụng trẻ con. Người lớn có thể tổn thương trong tình huống mà ai cũng được khen, còn mình thì không.
Ông Khanh khẳng định, trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý vì cách đối xử của giáo viên như phê phán, chê bai, miệt thị hay quát mắng. Nếu hành vi này kéo dài thì trẻ có thể có những thái độ tiêu cực, thiếu tự tin hoặc ngược lại sẽ trở nên lỳ lợm, cứng đầu, chống đối tùy theo tính cách của trẻ.
Trẻ có thể buồn vào lúc đó, nhưng rồi sẽ quên. Ngay cả nhiều học sinh nhận được tờ giấy khen cũng sẽ chỉ vui vẻ hớn hở lúc đó hay có thể vui hơn vì sẽ thoát được sự đánh mắng của gia đình khi mang giấy khen về.
Điều sẽ làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần cho học sinh là liệu khi về nhà, không có giấy khen, em đối diện với thái độ, cách ứng xử thế nào từ bố mẹ.
Theo ông Khanh, chuyện gây tổn thương cho học sinh có thể đến từ nhiều thứ khi giáo dục áp đặt, nặng thành tích làm trẻ kiệt quệ, trầm cảm, lo âu, thiếu tự tin thậm chí là bỏ học, tự hành xác… chứ không phải vì tờ giấy khen hay tấm ảnh gây "bão". Chưa kể, bức ảnh này còn có thể có khả năng được sắp đặt, được đưa lên với ý đồ nào khác.
Ông Khanh bày tỏ quan điểm, nếu chúng ta thực sự thương yêu trẻ em, biết tôn trọng những giá trị của trẻ, thì mỗi một giáo viên, mỗi một nhà giáo dục, mỗi một phụ huynh, mỗi một người lớn, hãy nhìn lại chính mình. Xem mình đã có hành động nào chứng tỏ là mình biết yêu thương, tôn trọng các em chưa? Ngay với con mình, chúng ta có những hành động thiết thực nào cho chúng ngay tại gia đình?
Hoài Nam