Trao quyền tự chủ tuyển sinh: Nhiều trường chưa thực hiện ngay

(Dân trí) - Ngay sau khi nhận được thông tin Bộ GD-ĐT giao cho 6 trường đại học trọng điểm tự chủ tuyển sinh năm 2011, nhìn chung nhiều trường trong số này còn e dè, chưa thực hiện ngay.

Trao quyền tự chủ tuyển sinh: Nhiều trường chưa thực hiện ngay - 1
Tuyển sinh 2011 sẽ có nhiều điểm mới bất ngờ.
 
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn xuống 6 trường đại học trong điểm, đều là những trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt gồm ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương đề nghị thực hiện thí điểm cho chủ trương mới là tự chủ trong công tác tuyển sinh. Theo đó, Bộ yêu cầu các trường xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh và gửi về Bộ.

Trao đổi với Dân trí, ý kiến của lãnh đạo các trường đều tán thành chủ trương trên nhưng họ đều chưa triển khai ngay vì còn phải nghiên cứu.

GS Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, về chủ trương này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bàn rất nhiều, đang nghiên cứu xây dựng phương án và tham khảo nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài nước để tránh các phương án rủi roỗảy ra, làm sao thi tuyển chọn được người tài lúc đó mới công khai. Do vậy, sớm nhất là năm 2012 mới có thể triển khai được.

Cùng quan điểm với ĐH Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định, trong tuyển sinh 2011 trường vẫn thực hiện theo phương án tuyển sinh 3 chung như các năm vừa qua. ĐH Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh để trình Bộ GD-ĐT nhưng thời hạn thực hiện những đổi mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ sớm nhất là năm 2012.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: “Thay đổi trong tuyển sinh cần thận trọng vì liên quan đến số đông thí sinh và tâm lý xã hội, phải có thời gian để các cơ sở đào tạo chuẩn bị phương án đầy đủ, hợp lý và thí sinh có sự chuẩn bị cho phương thức thi cử mới. Bên cạnh đó, nghiên cứu làm sao để phương án tuyển sinh tự chủ mới phải thật sự đem lại hiệu quả cho các đơn vị thành viên, tuyển chọn được thí sinh có chất lượng cao nhất”.

Một lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cũng khẳng định năm 2011 trường vẫn tuyển sinh theo phương thức “ba chung” vì phải có thời gian chuẩn bị, xây dựng đề án chi tiết rồi mới triển khai.

Còn theo một lãnh đạo ĐH Y Hà Nội cho biết, trường chưa triển khai thực hiện trong năm tới và nếu thực hiện thì mất một thời gian ngắn nữa vì việc chuẩn bị cho phương án tuyển sinh mới này không đơn giản chút nào ví dụ như ra đề thi.

Việc thực hiện tự chủ tuyển sinh đối với trường không có gì khó khăn vì đây là vấn đề không mới nhưng đã bỏ quá lâu. Hiện đội ngũ giáo viên các môn cơ sở như Toán, Hóa, Sinh hiện nay của trường còn quá ít, chủ yếu là giảng viên chuyên môn. Do vậy, để thực hiện theo chủ trương của Bộ, trường phải có thời gian bổ sung giảng viên về các môn cơ sở, tập huấn, sau đó mới triển khai - vị lãnh đạo này cho hay.

Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - một trường lớn có bề dạy thành tích, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên, trường không đưa ra khẳng định là trường sẽ triển khai thực hiện chủ trương tự chủ tuyển sinh mới ngay trong năm 2011, ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đã xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh và chờ Bộ phê duyệt rồi công bố”.

Khác với các trường trên, với ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Nguyễn Hắc Hải, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: "Trường đang xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, nếu Bộ đồng ý thì trường sẽ triển khai ngay trong tuyển sinh 2011 vì nhà trường đã chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện chủ trương mới này. Hiện, trường chỉ chờ quan điểm của Bộ”.

Có thể thấy những trường được dự kiến thí điểm giao quyền tự chủ lần này là những trường thuộc nhóm trên, hàng năm có số lượng thí sinh đăng ký dự thi không cao nhưng điểm trúng tuyển của các trường này đều thuộc tốp cao. Tuy nhiên, các dự kiến cho kỳ tuyển sinh năm 2011 sẽ được Bộ GD-ĐT đưa ra thảo luận tại Hội nghị thi và tuyển sinh tổ chức trong thời gian tới.

Hồng Hạnh