Trao giải thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu"

Lệ Thu

(Dân trí) - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu" năm 2020.

Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh…

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy, cô và mái trường mến yêu" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 với 60 nghìn bài dự thi thì năm nay, số lượng bài dự thi đã lên tới gần 80 nghìn bài.

Thành phần tác giả tham gia dự thi cũng hết sức phong phú, đến từ nhiều nghề khác nhau; trong đó có đội ngũ đông đảo là tác giả không chuyên, các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ sở giáo dục. Có rất nhiều bài dự thi là từ học sinh cũ viết về thầy cô giáo của mình.

Trao giải thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu - 1
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi lễ.

Sự đón nhận, hưởng ứng này cho thấy, mái trường và các thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Đây là sự động viên to lớn, tạo động lực cho ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đầy thử thách. Ngành GD&ĐT đang đứng trước yêu cầu mới, càng đòi hỏi cao hơn về năng lực, nhân cách đội ngũ.

Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần có sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội. Vì vậy, những hình ảnh đẹp về thầy cô và mái trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi cần được nhân rộng lan tỏa hơn nữa", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Hình ảnh thầy cô giáo được nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào, các tác phẩm dự thi đều miêu tả những hình ảnh đẹp, độc đáo về thầy cô giáo. Nhiều người đã trở thành nhà giáo và đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là do ảnh hưởng và được sự dìu dắt thuở ấu thơ từ thầy cô giáo của mình.

Có thể kể đến tác phẩm "Cô Hiền" của tác giả Phan Thị Thu Trang (Hà Nội). Có lẽ ai cũng có thể tìm thấy hình ảnh của mình trong đó bởi chẳng ai không trải qua những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Đúng như lời tựa và tác giả nhắn gửi ngay đầu tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi. Những trò nghịch ngợm "bá đạo" nhưng cũng rất đỗi hồn nhiên với bao ký ức hiện lên trong từng con chữ mà tác giả muốn gửi gắm.

"Có những mẩu chuyện đẹp đẽ về tháng ngày quàng khăn đỏ, đến giờ, khi chúng tôi buộc mình vào những nỗi lo cơm áo gạo tiền; những hợp đồng, hóa đơn, sổ sách, bận tâm gây dựng các mối quan hệ và giao tiếp xã hội, làm sao nhớ hết được cái thời cấp 2 trong sáng ấy. Nên tất cả kỷ niệm vụn vặt này xin dành tặng cho cô - Cô Hiền, một người thầy, người truyền lửa, người bạn, người đồng hành và sau tất cả, cô như một người mẹ thứ hai của tập thể Lớp G."

Trao giải thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu - 2

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng bên phải) và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi (ngoài cùng bên trái) trao giải Nhất cho tác giả Phan Thị Thu Trang (Hà Nội).

Tác phẩm "Ánh sáng cuối con đường" của tác giả Trần Thị Thanh Tân (Thái Nguyên) có nội dung viết về cô giáo giàu lòng nhân ái Trần Minh Hòa đã truyền lửa nhiệt huyết và lòng yêu thương cho bao thế hệ học trò, trong đó có tác giả. Ngọn lửa ấy vẫn cháy mãi để cô giáo Trần Thị Thanh Tân hôm nay tiếp tục nắm tay các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn của quê hương đến tương lai tươi sáng.

Và còn rất nhiều những tấm gương, câu chuyện cảm động về thầy cô và mái trường được gửi gắm trong các tác phẩm. Đó là tâm tình, yêu thương lan tỏa và năng lượng tích cực mà cuộc thi mong muốn mang đến cho tất cả những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường.

Hình thức trình bày tác phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau. Như tác giả Võ Tá Hùng Dũng, học sinh lớp 6/5 Trường THCS Lê Văn Thiêm, thành phố Hà Tĩnh hồi ức về quãng thời gian học tiểu học với 100 trang là những câu chuyện, kỷ niệm và hình ảnh thời tiểu học được trân trọng lưu giữ minh họa trong tác phẩm dự thi.

Tác giả Hoàng Mai Linh, học sinh lớp 11A6 Trường THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh thiết kế cả giá gỗ khắc họa hình ảnh thầy cô và con thuyền để minh họa cho bài dự thi; Tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trường Đại học An ninh nhân dân với tác phẩm "Người thầy truyền lửa" được viết tay, trình bày trên chất liệu giấy Karft màu nâu vàng. Việc lựa chọn chất liệu giấy đã phần nào thể hiện sự công phu và tâm huyết với tác phẩm. Các em học sinh tiểu học nắn nót từng nét chữ màu mực tím rất đẹp, tự tay vẽ, trang trí cho tác phẩm của mình...

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 143 bài vào vòng Chấm chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau: Tổng số giải: 16 giải, bao gồm 14 giải cá nhân và 2 tập thể. Cụ thể gồm: 2 giải tập thể; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.

Ban tổ chức hi vọng, những giá trị và thông điệp tốt đẹp từ cuộc thi sẽ tiếp tục được lan tỏa, nối dài thêm những ghi nhận và tri ân của toàn xã hội đối với những người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.