Góp ý dự thảo luật giáo dục sửa đổi:

Tranh cãi việc có nên thi tốt nghiệp THPT hay không

(Dân trí) - Đó là nội dung được nhiều chuyên gia tranh luận nhất tại hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức ngày 28/12. Có đề xuất chỉ cấp giấy chứng nhận cho học sinh hoàn thành bậc học THPT mà không cần tham gia kỳ thi THPT.

 

Tranh cãi việc có nên thi tốt nghiệp THPT hay không - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có sự tham dự của nhiều cán bộ quản lý giáo dục

Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) có sự tham dự của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, luật sư, các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục và đại diện một số cơ quan nhà nước, đại diện các ban ngành đoàn thể.

Không thi tốt nghiệp THPT, giao việc này cho hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận?

TS Phạm Thị Ly - một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Luật Giáo dục đến thời điểm này đều quy định học sinh học hết chương trình THPT được dự thi tốt nghiệp. Tôi thấy rất lạ, luật hiện hành quy định học sinh được dự thi, không hề nói đó phải là kỳ thi quốc gia chung cho cả nước. Về nguyên tắc, nếu dựa theo câu chữ của luật các tỉnh, thành phố thậm chí các trường cũng được quyền tổ chức kỳ thi này nhưng không ai dám làm vậy”.

Và bà Ly đặt vấn đề rằng có nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không. “Tôi hiểu lý lẽ của những người bảo vệ quan điểm cần thi tốt nghiệp THPT với lý do cần chuẩn kiến thức, nếu bỏ thi học sinh sẽ không chịu học… Những điều này cũng có lý nhưng chúng ta chưa bao giờ nghĩ khác đi thực sự thi tốt nghiệp THPT có cần thiết như vậy hay không?”, bà Ly nói.

Theo TS Ly, “giáo dục là một quá trình, bao gồm nhiều thứ chứ không phải là bài thi tốt nghiệp. Nếu đánh giá toàn bộ quá trình 12 năm học của học sinh bằng một kỳ thi với vài môn học nghĩa là chúng ta đánh giá thấp tất cả những yếu tố khác trong quá trình giáo dục. Hệ quả tất yếu là người ta học chỉ để thi và chỉ quan tâm tới những môn thi”.

Tranh cãi việc có nên thi tốt nghiệp THPT hay không - Ảnh 2.

TS Phạm Thị Ly đặt vấn đề có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không?.

“Hiện nay nhiều nước không tổ chức thi tốt nghiệp tập trung mà trao cho các trường đánh giá quá trình học tập của học sinh và công nhận tốt nghiệp. Nếu có, kỳ thi được tổ chức nhiều lần trong năm và mục đích của kỳ thi để xác nhận học sinh đã đạt được những tiêu chuẩn giáo dục được quy định ở cấp học đó", bà Ly chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Mai Hoa, hiệu trưởng Hệ thống Trường dân lập Việt Úc, cho biết bà hoàn toàn đồng tình ý kiến của TS Phạm Thị Ly. Đồng thời bà ủng hộ việc học sinh không thi tốt nghiệp THPT, giao việc này cho hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận.

Bà Mai cho rằng, hiện nay học sinh chịu khá nhiều áp lực, chưa đồng bộ với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2020. Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi việc chủ động của hiệu trưởng trong nhà trường. Việc thi cử chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng chưa chú trọng nhu cầu của người học.

Duy trì thi tốt nghiệp THPT nhưng phải nhẹ nhàng hơn

Tuy nhiên, là người trực tiếp làm việc ở cấp học phổ thông, ông Trịnh Duy Trọng, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh nêu quan điểm rằng vẫn cần duy trì kỳ thi THPT. “Tuy nhiên phải điều chỉnh để phù hợp hơn, nhẹ nhàng và không gây áp lực cho học trò. Quy mô và cách thức nên xem xét lại. Chẳng hạn giao cho cấp Sở địa phương tổ chức thì có thể nhẹ nhàng hơn, nếu để các trường THPT tổ chức thì sẽ có nhiều hệ lụy không hay”, ông Trọng chia sẻ.

Tranh cãi việc có nên thi tốt nghiệp THPT hay không - Ảnh 3.

Thầy Trịnh Duy Trọng, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh nêu quan điểm rằng vẫn cần duy trì kỳ thi THPT

Luật gia Dương Minh Kiều, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp cũng ủng hộ việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng kỳ thi này không phải kỳ thi chung của cả nước. Ông cũng cho rằng thời gian qua chúng ta không chú ý nhiều đến những người tự học.

"Cần phải giải quyết nhu cầu của người tự học ở nhà. Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT do hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm. Các trường cao đẳng có thể sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để xét tuyển", ông Kiều nói.

Còn PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết ông ủng hộ ý tưởng khi học sinh đã hoàn thành tốt việc học ở trường THPT thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận, thậm chí bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay văn hóa chất lượng của Việt Nam nói chung và văn hóa chất lượng giáo dục nói riêng chưa cho phép làm việc này. Những bê bối trong lĩnh vực giáo dục suốt thời gian qua hiện vẫn đang phải tiếp tục xem xét, nếu thả bung ra học sinh các tỉnh sẽ đậu tốt nghiệp rất nhiều. Như vậy chất lượng sẽ không đảm bảo.

"Vì vậy trước mắt cần phải chuẩn hóa trình độ, cần có kỳ thi THPT quốc gia. Khi nào văn hóa chất lượng khá hơn khi đó mới tính đến chuyện giao cho địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhẹ nhàng và cần nhanh chóng chuyển sang đúng mục tiêu là thi tốt nghiệp không gắn thêm mục tuyên tuyển sinh đại học", ông Nghĩa đề nghị.

Những đóng góp ý kiến tại hội thảo này sẽ góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để phục vụ cho các giai đoạn trình thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 sắp tới của Quốc hội.

Lê Phương