Tranh cãi việc đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn

Thế Hưng

(Dân trí) - Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra khi Bộ GD-ĐT đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn dù Bộ đã giải thích rằng, việc bố trí như hiện nay để đảm bảo đáp ứng vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Bộ GD-ĐT đã có những giải trình về việc đưa Lịch sử thành môn học tự chọn từ năm học 2022-2023, ở bậc THPT. Theo đó, Bộ cho rằng, với cách bố trí như hiện nay, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Không ít bạn đọc Dân trí tỏ ra đồng tình với quan điểm đưa Lịch sử thành môn tự chọn, vì theo anh Nguyễn Sơn (Kim Giang, Hà Nội), học sinh học lịch sử đến lớp 9 đã đủ kiến thức cơ bản. Lên cấp phổ thông, học sinh không nhất thiết phải học lại, nếu quá cứng nhắc thì các sinh viên đại học cũng sẽ phải học lịch sử.

Tranh cãi việc đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn - 1

Ảnh minh họa: Bích Diệp.

Hơn nữa, theo độc giả Nguyễn Sơn, các chi tiết lịch sử dày đặc con số. Các cuộc chiến tranh được nêu lên một cách khô khan, kiểm tra phải viết đúng từng chữ cũng khiến học sinh mất nhiều thời gian. Học sinh có thể dành thời gian học các môn khoa học thiết thực.

Độc giả M.Dân thì cho rằng: "Học là để kiếm việc làm. Tôi cảm thấy trong quãng thời gian học không vận dụng được gì ngoài đọc viết và tính toán. Học quá nhiều thứ không giúp tôi có tiền". 

Bạn đọc Trần Hùng ủng hộ quan điểm của Bộ Giáo dục và cho rằng, học sinh phổ thông học các môn chính để thi đại học đã rất nặng và khiến học sinh mệt mỏi. Môn lịch sử cần giảm tải, học các sự kiện chính trong lịch sử là đủ. Môn Lịch sử dù yêu thích thì sau 12 năm học cũng quên. 

Nhiều bạn đọc đồng tình với quan điểm, học lịch sử giúp khởi dậy lòng yêu nước song rất nhiều người yêu nước nhưng không nhớ rõ lịch sử.

Tuy nhiên, độc giả Hoàng Yến cho rằng, học môn Lịch sử là để hiểu truyền thống của dân tộc để từ đó nuôi dưỡng lòng yêu Tổ quốc. Dân tộc nào mà thế hệ trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng với lịch sử sẽ là một bi kịch của tương lai. 

"Thay vì đưa thành môn tự chọn, Bộ Giáo dục nên cải cách Lịch sử về cách học và cách kiểm tra đánh giá", độc giả Hoàng Yến chia sẻ.

Đưa quan điểm trái ngược với Bộ Giáo dục, độc giả Hoàng Khương nhận định, Lịch sử nên là môn học bắt buộc, nhưng rất cần cải cách việc dạy học môn Lịch sử thú vị hơn. Người học có thể hiểu, thông cảm, tự hào với những biến cố trong lịch sử dân tộc và hiểu về ý nghĩa của nó thật sâu sắc. Người học sẽ không cảm thấy tự hào với những gì cha ông ta đã làm được thông qua các con số đơn thuần.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, độc giả Nguyễn Thi cũng rất ghét môn lịch sử. Nhưng 20 năm sau, độc giả Thi đọc về lịch sử dân tộc, ngắm nhìn cuộc sống xung quanh mới nhận thấy tầm quan trọng của lịch sử.

"Học sinh không muốn học một phần do cách tiếp cận chưa đúng. Tôi thấy nên chiếu các bộ phim tài liệu về lịch sử dân tộc, chiến tranh Việt Nam sẽ hay hơn ngồi học giáo trình với các con số bắt ghi nhớ", chị Thi nêu quan điểm.

Đa phần độc giả Dân trí đều cho rằng, học lịch sử để biết được giá trị của lịch sử, từ đó tình yêu đất nước, yêu đồng bào sẽ được sản sinh. Nhiều bạn trẻ sẽ noi theo tấm gương các anh hùng dân tộc.

Để cải thiện tình trạng học sinh chán học Lịch sử, độc giả Nguyễn Hạnh cho rằng, môn Lịch sử cần được truyền tải theo các hấp dẫn hơn để thu hút học sinh. Những người làm nội dung trên Youtube, Tiktok rất sáng tạo khi làm video với lời bình hấp dẫn, video dàn dựng trẻ trung. Các video dạng trên rất thu hút được người xem, nhất là người trẻ. 

Cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết, bởi mỗi độc giả gửi đến một quan điểm khác biệt tùy theo quan điểm sống, công việc và nhận thức.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm