Tranh cãi quanh đề thi Văn “hại não”

(Dân trí) - Đề thi học kỳ II môn Ngữ văn lớp 12 của Sở GD&ĐT Gia Lai được đăng tải trên mạng xã hội đang gây “bão” với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, đoạn văn bản trong đề thi quá khó hiểu, thậm chí nó khiến người đọc… “đứng hình, rối loạn tiền đình”.

Đề Văn… đánh đố

Cụ thể, trong phần đọc hiểu (2 điểm) của đề thi trích dẫn 1 đoạn trong bài văn của nhà văn Đoàn Lê Công Huy:

Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào phải chết vì thiếu lửa?

Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun, con rắn. Không có lửa làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ cha, việc nhà, việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em... sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ.... Cho nên: Biết ủ lửa để giữ nhân cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?”

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích (0,25 điểm)

Câu 2: Trong đoạn trích trên tác giả sử dụng thao tác lập luận nào (0,25 điểm)

Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn trích (0,5 điểm)

Câu 4: Viết 1 đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 dòng) thể hiện sự cần thiết của việc “nuôi lửa” ở lứa tuổi học sinh (1 điểm)

Ngay sau khi đăng tải, đề thi trên đã thu hút hàng trăm độc giả và nhiều bình luận trái chiều trên một số diễn đàn. Nhiều người cho rằng, đây là một đề thi “hại não”, không tài nào hiểu nổi sau khi đọc đoạn văn bản trích dẫn.

Độc giả Thành Cung (Bắc Giang) nhận xét:”Đọc xong mình cũng “rối loạn tiền đình” huống gì học sinh. Mình không hiểu, đề thi kiểu này đánh giá trình độ học sinh hay trình độ giáo viên nữa bởi với mức độ khó hiểu của văn bản thế này, chắc chỉ có giáo viên mới làm nổi”.

Độc giả Ngọc Thúy (Thành Công, Hà Nội) chia sẻ, may đề thi mới chỉ đề cập tới số đơn, số nhiều nên mới chỉ rối loạn tiền đình. Nếu thêm số kép, số phức nữa thì học sinh và người đọc chắc phải… nhập viện luôn. Bộ GD&ĐT luôn nhắc nhở khi ra đề thi là “không được đánh đố và không quá khó” nhưng mình thấy đề thi thế này, khác gì đánh đố?

Một học sinh cũng chia sẻ trên trang cá nhân: “Cháu vừa mới thi, không hiểu do trình độ cảm thụ văn học của cháu kém hay sao, cháu và các bạn đều đọc nhưng không hiểu gì và cuối cùng là… bỏ dở bài”.

Được biết, đây là đề thi chung cho học sinh toàn tỉnh Gia Lai trong kỳ thi học kỳ 2 của khối 12, năm học 2015 – 2016. Ngày thi môn Ngữ Văn diễn ra vào ngày 5/5, cho 46 trường THPT.

Trước ngày thi, Sở GD&ĐT Gia Lai lập một hội đồng ra đề với các thành viên là giáo viên cốt cán từng hay làm đề từ trước đến nay.

Đề thi môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Gia Lai
Đề thi môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Gia Lai

Đề thi phù hợp với... giáo viên?

Trên trang thông tin cá nhân của một nhà văn nổi tiếng hiện đang sống tại Tây Nguyên, anh cũng chia sẻ, đọc đề thi này mà thề nhé, hiểu là gì, chết liền”. Cùng với đó, anh chia sẻ bức ảnh đề thi Ngữ Văn “hại não” đang gây bão trên đây.

Chia sẻ với PV Dân trí, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên dạy Văn Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: “Mình nghĩ đây là đoạn văn hay, đẹp và sâu sắc. Đoạn văn có thể tách rời văn bản gốc nhưng vẫn nguyên vẹn ý nghĩa, thẩm mĩ và tính nhân văn. Đây là ngữ liệu cho câu đọc hiểu, vì thế cần luyện cho học trò cách đọc và hiểu một văn bản, mức độ sâu sắc của văn bản sẽ nâng khả năng nhận biết và cảm thụ của học sinh. Tuy nhiên, nhiều độc giả còn mang tính đám đông, do chưa hiểu nên còn phản ứng tiêu cực với đề thi này”.

Trả lời câu hỏi, đây là một văn bản khó, không viết theo cách viết của các văn bản thông thường. Liệu với học sinh lớp 12 có đủ trình độ để thẩm định? Cô Tuyết cho rằng, sau khi tốt nghiệp THPT, ai sẽ cầm tay cho các em khi tiếp nhận các văn bản giữa trùng điệp thế giới thông tin của cuộc sống? Các em không thể yêu cầu thế giới phẳng này chỉ nên cung cấp những văn bản dễ hiểu! Đó là mục đích câu đọc hiểu. Nó giúp học sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản , nâng cao năng lực thẩm mĩ, bồi dưỡng nhân cách!

Trước luồng phản ứng của dư luận cho rằng, trước mỗi kì thi, Bộ GD&ĐT luôn nhắc nhở việc ra đề thi không quá khó, không đánh đố. Tuy nhiên, với đề thi trên đây, thậm chí nhiều sinh viên cho rằng mình càng đọc, càng… không hiểu gì. Vậy làm thế nào để một học sinh bình thường có thể lấy điểm? Cô Tuyết khẳng định, đây không phải câu đánh đố. Độ sâu sắc của văn bản không đồng nghĩa với đánh đố.

“Đánh đố là lừa người tiếp nhận bằng cách đưa ra những yêu cầu lắt léo, không minh triết. Sự đánh đố chỉ xuất hiện ở yêu cầu chứ không liên quan đến văn bản. Còn nói đề thi trên đây không phù hợp với trình độ học sinh bình thường, tôi nghĩ đề thi có câu khó câu dễ là điều đương nhiên, đó là cách phân loại học sinh”, cô Tuyết cho biết.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) nhận xét, tôi cũng đã đọc đề và thấy: Nước Việt (hình chữ S) là số nhiều thì đúng rồi. Nhưng em bé bán diêm là "số đơn" thì phải xem lại vì không có khái niệm số đơn.

Về phương diện khoa học: Đoạn văn chỉ là ý kiến của một cá nhân. Có rất nhiều sự liên tưởng, chắp nối ... gượng ép và không thể kiểm chứng được nên không có sự chính xác và cũng ... không khoa học.

Về phương diện văn học: Đoạn văn lủng củng, rối rắm và rời rạc là điều dễ nhận thấy.

Về phương diện ý nghĩa, nội dung: Nói về việc tạo lửa (lửa - nghĩa bóng - bầu nhiệt huyết), giữ lửa và truyền lửa. Đề cao sức mạnh tập thể, sự nối tiếp. Tuy nhiên, diễn đạt nội dung bằng những từ ngữ như trong đoạn văn là rất khiên cưỡng, không thuyết phục nếu không nói là ... muốn khác người.

Về phương diện đề thi: Câu này 2đ (tương đương 18 phút làm bài), không phù hợp về thời gian. Tôi cho rằng, không phù hợp với học sinh phổ thông. Càng không phù hợp với đề thi học kỳ 2 khối 12 của cả một tỉnh. Đề thi đánh đố học sinh, như thế là vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT. Và học sinh vẫn hay nói vui: "Đề thi rất phù hợp với ... giáo viên".

Vì thế theo thầy Tùng, việc ra đề thi độc, lạ cũng đang là mốt hiện nay. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm để tránh làm khó học sinh. Khi ra đề, người làm đề cần hướng tới đối tượng làm bài, đặt mình vào vị trí học sinh để ra đề phù hợp.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm