TPHCM xin thêm biên chế giáo viên năm học 2024-2025
(Dân trí) - Kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2024-2025 của TPHCM tăng gần 16.000 người so với tổng số lượng viên chức, lao động đang có.
Kế hoạch tăng gần 16.000 người
Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024-2025.
Theo báo cáo, UBND TPHCM cho biết, năm học 2024-2025, TPHCM có gần 1.400 trường công lập từ mầm non đến THPT, với tổng số 1,5 triệu học sinh các bậc học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục chuyên biệt, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp).
Với quy mô trường, lớp và sĩ số học sinh như trên, UBND TPHCM thống kê số kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2024-2025 là 86.738 người.
Mức kế hoạch cụ thể cần là 15.961 vị trí cấp mầm non; 31.344 vị trí cấp tiểu học, 24.778 vị trí cấp THCS; 12.637 vị trí cấp THPT và 2.018 vị trí ở các cấp học còn lại.
Trong khi đó, theo thống kê của UBND TPHCM, tổng số viên chức, lao động hợp đồng có mặt tại thời điểm 31/5 là 70.819 người.
Như vậy, nếu tính theo kế hoạch và số lượng có tới thời điểm trên, TPHCM xác định cần thêm 15.919 người.
Hơn 8.300 biên chế chưa tuyển dụng hết
Theo báo cáo, tổng số viên chức, lao động hợp đồng có mặt tại thời điểm 31/5 là 70.819 người, trong đó có 3.429 viên chức quản lý; 56.655 giáo viên; 4.821 nhân viên; 5.914 hợp đồng lao động ký thêm từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị, ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ thêm. Số biên chế chưa sử dụng là 8.379 người.
Lý do chưa sử dụng hết biên chế bởi không thể tuyển đủ số lượng cần thiết, một số vị trí không có ứng viên đăng ký.
Điều này xuất phát từ áp lực về cải cách chương trình giáo dục, việc nâng cao trình độ, năng lực của nhân sự công tác trong ngành đòi hỏi ngày càng cao nên có nhiều áp lực đối với đội ngũ giáo viên.
Cùng với đó, số lượng, chất lượng giáo viên được đào tạo từ các cơ sở giáo dục hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sự gia tăng đối tượng học sinh và tăng trường, tăng lớp hiện nay (nhất là giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật, tin học).
Ngoài ra, mức lương hiện nay chưa đủ sức thu hút và cạnh tranh nên khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân đội ngũ theo yêu cầu.
Trước thực trạng trên, UBND TPHCM cho hay, trên cơ sở các quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, nhu cầu giáo viên theo định mức là rất lớn.
Tuy nhiên trước chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị và mục tiêu của ngành, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương quan tâm, bổ sung biên chế giáo viên trên cơ sở quy định về định mức, đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục và đào tạo trên cơ sở nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024-2025.
Đồng thời, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn thống nhất về vị trí việc làm "y tế học đường". Đồng thời, thành phố đề xuất giữ lại vị trí việc làm "công nghệ thông tin" dùng chung.
Điều này để đảm bảo thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị ngành giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện để đội ngũ viên chức yên tâm công tác và phát triển chuyên môn nghiệp vụ.