TPHCM: Siết “chạy trường” vào các quận trung tâm

Do áp lực quá tải trường lớp, nhiều quận nội thành đặt ra một số quy định nhằm kiểm soát tình trạng phụ huynh “chạy” hộ khẩu, KT3 về phường có trường xin cho con vào học.

Từ ngày 16/6, nhiều quận/huyện ở TP.HCM bắt đầu phát giấy báo nhập học và thu nhận hồ sơ nhập học của học sinh (HS) các lớp đầu cấp (lớp 1, 6). Đây cũng là cao điểm của mùa “chạy” hộ khẩu, tạm trú dài hạn (KT3) của phụ huynh về các quận trung tâm nội thành.

Nhập hộ khẩu, KT3 tăng bất thường

Bà Lê Thị Bình, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 1, cho biết: Hằng năm cứ vào khoảng thời gian này là số lượng HS mới nhập hộ khẩu hoặc tạm trú KT3 vào quận 1 tăng bất thường. “Bây giờ thủ tục chuyển hay nhập hộ khẩu ngày càng thuận lợi, dễ dàng. Quận đã từng phát hiện và xử lý nhiều trường hợp diện KT3 nhập vào quận chỉ nhằm “chạy trường”. Chúng tôi đã nhờ cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh mới biết họ có hộ khẩu tại quận khác rồi nhưng làm KT3 ở quận 1 để xin học cho con. Do đó quận phải siết để đảm bảo công bằng cho tất cả trẻ và hạn chế tình trạng “chạy trường” như vậy vào những năm sau” - bà Bình nói.

Năm học tới TPHCM siết “chạy trường” về các quận trung tâm, về trường tốt.
Năm học tới TPHCM siết “chạy trường” về các quận trung tâm, về trường tốt. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp, TPHCM) trong một buổi sinh hoạt dưới cờ. (Ảnh: P. Anh)

Năm nay, quận 1 vẫn thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo nguyên tắc: Ưu tiên cho trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non năm tuổi, có giấy gọi đi học lớp 1; đối với các cháu vào lớp 6 thì phải có giấy báo nhập; đảm bảo HS được học tại trường gần nơi cư trú nhất. Những HS này đều có hộ khẩu hoặc KT3 lâu, ổn định trước đó. Tuy nhiên, với những HS có hộ khẩu tập thể, mới chuyển hộ khẩu hoặc KT3 về quận 1 kể từ tháng 5/2013 đến nay, ban chỉ đạo tuyển sinh của quận sẽ xem xét phân bổ trường học tùy từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, diện KT3 phải có hộ khẩu gốc để đối chiếu.

Quận 5 cũng đưa ra những quy định tương tự nhưng mốc thời gian đối với HS có hộ khẩu tập thể, mới chuyển hộ khẩu hoặc KT3 được lấy từ tháng 1/2014. Giải thích quy định này, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, cho hay cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp là xuất hiện nhiều HS có hộ khẩu tập thể hoặc mới chuyển về rất phức tạp. “Có năm Trường Tiểu học Bàu Sen xảy ra việc 15 trường hợp nhập học có cùng một hộ khẩu tập thể. Quận phải nhờ công an xác minh mới biết họ không có quan hệ bà con gì với chủ hộ, gây phiền phức cho các bên” - bà Thu nói.

Không làm khó phụ huynh

Tuy nhiên, không ít phụ huynh mới nhập hộ khẩu, KT3 về các quận trung tâm TP sau thời điểm mà các quận đưa ra không khỏi thắc mắc và lo lắng trước những quy định của các quận. Một số phụ huynh đã gửi thắc mắc đến Pháp Luật TPHCM hỏi “quy định mốc thời gian tháng 5/2013 của quận 1 dựa trên cơ sở nào? HS diện KT3 phải trình thêm hộ khẩu gốc là căn cứ trên quy định nào? Đúng hay sai?” và cho rằng quy định này có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu học tập thực sự của con em họ.

Giải thích về vấn đề này, bà Lê Thị Bình cho hay quận 1 lấy mốc tháng 5-2013 để đảm bảo sự cư trú ổn định của HS tại quận 1. Đó cũng là thời điểm cuối năm học, các địa bàn bắt đầu rà soát số liệu và thông tin trẻ để chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh của năm học tiếp theo. Về quy định diện KT3 phải kèm hộ khẩu gốc là nhằm kiểm tra những trường hợp “chạy trường” chứ không làm khó phụ huynh. Bà Bình cũng khẳng định về nguyên tắc, quận vẫn đảm bảo phân tuyến đủ chỗ học cho tất cả đối tượng HS trong độ tuổi trên địa bàn quận 1. Tuy nhiên, tùy theo từng trường hợp và khả năng tiếp nhận của từng trường, quận sẽ xem xét cụ thể để giải quyết.

Còn theo bà Võ Ngọc Thu (quận 5) phải làm mạnh như vậy để hạn chế tối đa kiểu “chạy trường” nói trên. Bà Thu lý giải: “Nếu cha mẹ vì nhu cầu mưu sinh thực sự, muốn con em được nhập học trong quận 5 thì phải quan tâm làm KT3 từ trước. Bởi vậy đối với những trường hợp này quận phải đối chiếu với hộ khẩu gốc để có căn cứ giải quyết đúng đối tượng nhưng cũng còn phụ thuộc điều kiện tiếp nhận của từng trường”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, yêu cầu các trường phải thực hiện tuyển sinh minh bạch, chu đáo, chặt chẽ. Nhân viên làm công tác tuyển sinh hướng dẫn tận tình, giao tiếp cởi mở và văn minh. Các trường tuyệt đối không kết hợp tuyển sinh với kêu gọi, vận động đóng góp từ phụ huynh; hạn chế tối đa bán hồ sơ tuyển sinh. Đối với các trường điểm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, xếp hàng từ đêm làm mất lòng dân, gây bức xúc dư luận.

 

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM