TPHCM: Hơn 10.000 học sinh đăng ký vào lớp 10 trường ngoài công lập
(Dân trí) - Ông Hồ Tấn Minh, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết thống kê đăng ký tuyển sinh lớp 10 năm nay, có đến 10.000 học sinh không đăng ký tuyển sinh vào các trường công lập mà tiếp tục đăng ký vào trường ngoài công lập.
Trong một tọa đàm bàn về vấn đề Giáo dục tư thục và định hướng phát triển hệ thống giáo dục tư thục Việt Nam diễn ra mới đây, ông Hồ Tấn Minh, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ rằng hiện hệ thống các trường phổ thông ngoài công lập tại TPHCM đang phát triển rất tốt.
Ông Minh cho biết, tại TPHCM ở cấp THPT, các trường tư thục, ngoài công lập đã gánh dùm cho hệ thống giáo dục công lập gần 30%. Bên cạnh đó, số trường ngoài công lập cũng gánh thêm một lượng không nhỏ con em của cư dân lao động từ các tỉnh khác về TPHCM sinh sống, làm việc.
Trên địa bàn thành phố có 82 trường ngoài công lập, trong khi trường công lập là 112 trường, đặc biệt là độ tin cậy của phụ huynh học sinh vào trường này rất cao. Theo thống kê đăng ký tuyển sinh lớp 10 năm nay, có đến 10.000 học sinh không đăng ký tuyển sinh vào các trường công lập mà tiếp tục đăng ký vào trường ngoài công lập.
Chia sẻ về hướng phát triển của hệ thống trường tư thục này, ông Hồ Tấn Minh cho hay: “Thành phố có quy hoạch tổng thể liên quan đến các trường này, tức là đảm bảo được điều kiện, tiêu chuẩn, cơ sở vật chất… Một lợi thế của trường ngoài công lập là được tự chủ về công tác nhân sự, được lựa chọn, kêu gọi giáo viên giỏi về trường dạy.
Thứ hai, trường được tự chủ thực hiện theo đề án của thành phố, chẳng hạn thành phố muốn tăng cường chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nếu trường phổ thông công lập sẽ thực hiện khó, bởi vì sẽ phát sinh chuyện thu bao nhiêu tiền ngoài học phí ra, còn các trường ngoài công lập thì thực hiện được...
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết một số quy định về pháp lý vẫn còn hạn chế đối với hệ thống giáo dục tư thục này mặc dù bản thân ngành Giáo dục TPHCM đã tạo điều kiện rất nhiều. Một số trường tư thục gặp vướng mắc về quy định đất đai, chuyển công năng đất dành cho giáo dục và ngược lại cũng có nhiều rắc rối khiến các trường tư cũng gặp khó trong vấn đề thuê mướn đất làm trường. Ông Minh kiến nghị phải có một cơ sở pháp lý dành riêng cho vấn đề chuyển đổi công năng đất cho các cơ sở giáo dục tư thục trong công tác thuê mướn mặt bằng. Thực hiện được điều này sẽ giúp các trường tránh những phiền hà về thủ tục này. Để không phải 5-10 năm các trường lại phải tìm chỗ thuê, như vậy sẽ giúp họ ổn định để làm tốt hơn trong công tác chuyên môn đào tạo, giáo dục.
Được biết, theo Sở GD-ĐT TP.HCM năm 2019 có tổng số 95.997 học sinh lớp 9 tốt nghiệp tuy nhiên số đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập hiện tại chỉ có 80.618 em. Tổng chỉ tiêu lớp 10 của các trường THPT công lập năm nay gần 67.300 học sinh, nếu rớt công lập, các em sẽ chọn học một trong các loại hình như trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm giáo dục thường xuyên; trường trung cấp, trung cấp nghề và các trường THPT tư thục.
Lê Phương