TPHCM: Căng thẳng trường lớp vì số học sinh tăng

(Dân trí)- Năm học này, số học sinh tăng cơ học ở TPHCM lên đến hơn 30.000 em nên tình trạng quá tải trường lớp vẫn xảy ra ở nhiều quận, huyện. Để có đủ chỗ học cho học sinh nên các chỉ tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp hay học 2 buổi/ngày không thể đảm bảo được.

Năm nay, ở quận 12 lại tái diễn chuyện thiếu trường lớp và 40% học sinh của quận phải “chạy” sang học ở quận Gò Vấp kế bên. Tất nhiên, các phường trong quận cùng san sẻ áp lực học sinh cùng nhau. Có đến hơn 74.000 dân nhưng phường Hiệp Thành (Q.12) chỉ có một trường tiểu học duy nhất là trường Nguyễn Trãi và trường tiểu học Lê Văn Thọ (thuộc phường Tân Thới Hiệp) có nhiệm vụ gánh thêm số học sinh của phường này. Thế là trường Lê Văn Thọ lại trở nên quá tải với 4.000 học sinh cho 83 lớp, đồng nghĩa bình quân có đến 48 em/lớp. Tương tự, học sinh ở phường Tân Hưng Thuận phải sang học nhờ ở phường Tân Thới Nhất vì cả phường chỉ có mỗi 1 trường tiểu học Trần Văn Ơn.

TPHCM: Căng thẳng trường lớp vì số học sinh tăng - 1
 Áp lực học sinh tăng dẫn đến thiếu trường lớp nên nhiều trường đành "hy sinh" chuẩn.

Ông Trần Trung Hiếu - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 nhìn nhận rằng phòng GD cũng biết muốn nâng cao chất lượng giáo dục là phải đáp ứng cơ sở vật chất trang thiết bị, đặc biệt là trường lớp để đảm bảo sĩ số theo quy định. Ngoài ra, đảm bảo về đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý và điều thứ 3 là về cơ chế chính sách. Nhưng năm học mới này quận không có trường tiểu học mới nào được đưa vào sử dụng nên việc tổ chức các lớp bán trú, lớp tăng cường tiếng Anh trở nên khó khăn.

“Quận 12 gặp khó khăn trong nhiều năm liền là mặc dù trường lớp được UBND quận tập trung xây dựng cũng khá nhiều tuy nhiên vẫn gặp áp lực do dân nhập cư đông. Nên hàng năm giảm học 2 buổi/ngày để tăng số lượng học sinh đến lớp là điều mà quận phải làm trong điều kiện rất khó khăn”, ông Hiếu chia sẻ.

Huyện ngoại thành Hóc Môn cũng chịu áp lực tăng dân số cơ học. Năm học 2011 - 2012 toàn huyện tăng đột biết đến gần 6.000 học sinh nên nâng sĩ số bình quân đến gần 50 học sinh/lớp. Việc tổ chức dạy bán trú cũng gặp nhiều cản trở. Trong khi đó, nhiều dự án xây mới trường tiểu học, THCS bị chậm vì vướng trong đền bù giải toả.

Đó cũng là tình cảnh mà quận 6 mắc phải. Bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết: “Cuối năm học vừa qua ở tiểu học chúng tôi có 85 % học sinh được học 2 buổi/ngày và THCS thì có 60%. Đối với những trường đông và có nhiều học sinh như trường tiểu học Phú Lâm thì chúng tôi chấp nhận phương án bỏ bớt 2 buổi/ngày để đảm bảo đủ chỗ học cho các em”.

Trước áp lực của học sinh quá lớn, nên theo đúng chuẩn 35 học sinh/lớp tiểu học, 45 học sinh/lớp trung học là điều ngành giáo dục của các quận 9, Gò Vấp chỉ có thể mơ ước.

So với các quận huyện trên thì quận 8 là địa bàn khổ sở vào bậc nhất nhì ở thành phố về cơ sở vật chất thiếu thốn, trường lớp chật chội. Trong tổng số trường học trên địa bàn thì đến 30% trong tình trạng xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn và cần được xây mới. Đặc biệt còn 10 trường mầm non đang dạy và học với nhiều điểm lẻ.

Những trường có tổ chức lớp học 2 buổi/ngày rất hiếm hoi. Khá nhất là bậc mầm non đạt 70%, tiểu học được 45% còn bậc THCS thì chỉ 35%. Bên cạnh đó, sĩ số trung bình của nhiều trường lên đến 55 em/lớp. Tuy vậy các trường tiểu học Đinh Công Tráng, Lý Thái Tổ và Vạn Nguyên... lại nằm trong số nghịch lý là số học sinh chỉ 20 - 30 học sinh/lớp. Dù những trường này có tuyển thêm trái tuyến nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu vì nguyên do phòng học chật chội, xuống cấp, mỗi khi mưa to gió lớn lại dột ướt. Mặc dù quận 8 đã được phê duyệt xong quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 thế nhưng cái khó nhất vẫn là kinh phí xây trường.

Trước tình này ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận việc giữ sĩ số học sinh/lớp đúng theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những quận vùng ven.

“Tình hình thực tế theo thống kê sơ bộ có 30.000 - 35.000 học sinh tăng thêm so với số học sinh có hộ khẩu thường trú. Nếu xây dựng được 1.000 phòng học thì cũng chỉ đủ đáp ứng cho số học sinh tăng cơ học như vậy. Mong  muốn của ngành giáo dục thành phố là giảm sĩ số học sinh trên lớp theo đúng chuẩn mô hình tiên tiến hiện đại, tổ chức lớp học cho các em cả ngày trong trường. Đây là chuyện mà Sở hết sức quan tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất và phải bắt kịp số học sinh tăng cơ học mà phải vượt qua nữa để có thể giảm sĩ số được”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, Sở GD-ĐT cũng đã kiến nghị TP nhiều chính sách ưu tiên giải quyết cho các nhà đầu tư cho giáo dục để phát triển thêm mạng lưới trường ngoài công lập.

Thụy An

Dòng sự kiện: Năm học mới 2011-2012

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm