TPHCM bỏ danh hiệu học sinh Giỏi, Tiên tiến ở bậc tiểu học
(Dân trí) - Từ năm học này, TPHCM sẽ bỏ danh hiệu Học sinh Giỏi, Tiên tiến... ở bậc tiểu học, thay vào đó là đánh giá “hoàn thành” hoặc “chưa hoàn thành”.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên (GV) tiểu học theo Thông tư 30 về đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét thay cho điểm.
Theo đó, để được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, HS phải đạt các điều kiện: hoàn thành việc được đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học; đánh giá định kỳ cuối năm học các môn phải đạt từ 5 điểm trở lên; các mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất phải ở mức Đạt.
Nội dung khen thưởng cho HS sẽ đươc ghi cụ thể trong giấy khen: thành tích nổi bật hay tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác. Không có danh hiệu HS Giỏi, Tiên tiến…
Việc đánh giá bằng nhận xét thay cho chấm điểm của GV phải đảm bảo nguyên tắc giá vì sự tiến bộ của HS. Đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức dộ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
Trong đánh giá thường xuyên, GV quan sát, theo dõi một số đối tượng trong lớp để tập trung nhận xét. Thời gian đầu, mỗi tiết học nhận xét khoảng 5 HS, tăng dần và chi tiết hơn tùy và thực tế từng lớp và năng lực của GV.
Các đơn vị không được thống nhất số lượng cụ thể HS được nhận xét ở tất cả các lớp. Nguyên tắc đảm bảo 100% HS được nhận xét thường xuyên.
Hình thức nhận xét có thể bằng lời nói trực tiếp với HS hoặc viết nhận xét vào phiếu. Trong đó nhận xét hàng ngày căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học, hoạt động giáo dục để nhận xét.
Nhận xét hàng tuần lưu ý đến những HS có nhiệm vụ chưa hoàn thành để giúp đỡ HS. Còn hàng tháng, GV ghi nhận xét HS vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục (thay cho sổ điểm).
Khi nhận xét, GV cần đặc biệt quan tâm, động viên, khích lệ, biểu dương thành tích, tiến bộ để giúp HS tự tin. Khen ngợi HS làm tốt, động viên HS làm chưa tốt, nêu rõ điểm đáng khen và điểm cần khắc phục cũng như biện pháp hỗ trợ.
Ngoài việc GV tham gia đánh giá thường xuyên, HS cũng sẽ tham gia tự đánh giá và nhận xét, góp ý về bạn qua hoạt động nhóm, lớp. Đồng thời khuyến khích cha mẹ HS tham gia đánh giá. Kết hợp đánh giá của GV, HS, cha mẹ HS, trong đó đánh giá của GV là quan trọng nhất.