Tốt nghiệp đại học rồi, có cần học hỏi nữa không?

(Dân trí) - Chúng ta hô hào giới trẻ phải chăm học hành, mở mang kiến thức, chúng ta có câu khẩu hiệu “Học tập vì ngày mai lập nghiệp”. Các em học sinh nhà nghèo khi được phỏng vấn thì đa số đều cho biết “gắng học giỏi để thoát nghèo”. Về cơ bản, chúng ta cho rằng học để làm việc, học để kiếm tiền.

Đúng vậy, học để kiếm sống là một việc quan trọng. Con người trưởng thành trước hết phải nuôi sống được mình, sau là giúp những người khác trong gia đình và ngoài xã hội.

Nhưng nếu học chỉ để kiếm sống thì nhiều khi người ta nghĩ học xong 4 năm đại học là ổn rồi. Trừ phi muốn chuyển hẳn công việc khác, hoặc có mục tiêu lớn rõ ràng thì cần phải học hỏi nữa, chứ không thì với những gì đã học là đủ dùng rồi. Nói chung đa số người ta nghĩ như vậy.

Trong cuốn sách “7 chiến lược thịnh vượng & hạnh phúc” (NXB Thế giới), doanh nhân người Mỹ, tác giả, diễn giả nổi tiếng Jim Rohn (1930-2009) chỉ ra sự thật rằng: “Với hầu hết mọi người thì sự phát triển trí óc chấm dứt ở tuổi khá sớm. Một khi họ đã tìm được một công việc tốt thì nhiều người dễ dàng nói ngừng theo đuổi việc phát triển trí óc.”

Nếu việc học đại học là cơ bản để kiếm sống, vậy người ta cần học hỏi tiếp nữa để làm gì?

Mục tiêu của việc học hỏi tiếp nữa không phải để nhằm mục đích thăng tiến trong công việc, dù nó có thể trợ giúp cho thăng tiến. Mà học hỏi tiếp nữa là giúp cho sự phát triển của bản thân chúng ta, phục vụ cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ, khi chúng ta tìm hiểu kiến thức về thực phẩm, dinh dưỡng, về những thói quen tốt cho sức khỏe, chính là ta đang học hỏi đấy chứ - học hỏi để nâng cao sức khỏe bản thân và cũng là nâng cao chất lượng cuộc sống.


Học hỏi, mở mang kiến thức giúp ta tự chủ và tự do. (Ảnh minh họa)

Học hỏi, mở mang kiến thức giúp ta tự chủ và tự do. (Ảnh minh họa)

Học hỏi, mở mang kiến thức giúp ta tự chủ và tự do. Nhờ có kiến thức, ta biết điều gì là đúng đắn cho mình, không bị dẫn dắt bởi những người khác để phục vụ mục đích, lợi ích cá nhân của họ.

Học hỏi, mở mang kiến thức giúp ta tự tin, mạnh mẽ hơn.

Diễn giả truyền động lực hàng đầu thế giới Charles “Trenmendous” Jones (1927-2008) có câu nói nổi tiếng, đại ý là: “Có hai yếu tố giúp bạn thông thái hơn, đó là sách và những người mà bạn gặp.”

Học hỏi, mở mang kiến thức cũng giúp chúng ta trở thành một người hữu ích hơn nữa. Nhờ đó, chúng ta có thể chia sẻ với người khác những kiến thức bổ ích mà mình học được. Tác giả cuốn sách “Cho đi là còn mãi” (NXB Trẻ) dạy rằng: “Bất cứ ai may mắn có được kiến thức và sự hiểu biết, đều có bổn phận chia sẻ những quà tặng vô giá này với người khác.”

Học hỏi là công việc của cả đời người để nâng cao chất lượng cuộc sống, do vậy miễn là còn sống, chúng ta còn cần học hỏi.

Trong cuốn sách “Những điều tôi biết chắc” (NXB Thế giới), “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey đặt ra câu hỏi: “Khi bạn thôi không còn học hỏi, bạn sẽ ngưng trưởng thành, và ngầm nói với vũ trụ rằng bạn đã xong xuôi tất cả - chẳng còn gì mới mẻ. Vậy bạn còn ở đây làm gì nữa?”.

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Góc suy ngẫm