Tổng kết năm học 2012-2013: Năm vấn đề chưa thể khắc phục

(Dân trí) - Tổng kết năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT thừa nhận vẫn còn 5 vấn đề tồn tại chưa giải quyết được như việc dạy trước chương trình lớp 1, dạy thêm và thu góp sai quy định, cơ sở vật chất, giáo dục đạo đức học sinh…

Năm học 2012 -2013, nhiều vấn đề ngành giáo dục chưa giải quyết nổi.
Năm học 2012 -2013, nhiều vấn đề ngành giáo dục chưa giải quyết nổi.

8 kết quả, 5 hạn chế

Tổng kết năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã đúc kết được 8 kết quả. Cụ thể, tiếp tục chú trọng đổi mới quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội. Duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung giải quyết một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội đã tồn tại khá lâu như dạy thêm học thêm tràn lan, lạm thu trong các cơ sở giáo dục; Hầu hết đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều địa phương đã quan tâm thực hiện chế dộ chính sách đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục đổi mới công tác thi, phương pháp dạy học, chống bệnh thành tích trong giáo dục. Đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong công tác dự giờ, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch dạy học. Chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục “vùng trũng” được nâng lên, chất lượng giáo dục “đỉnh cao” tiếp tục được khẳng định. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hệ thống thư viện trường học ở các cơ sở giáo dục được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa, theo các chuẩn quốc gia đã ban hành. Đã có sự thay đổi trong nhận thức, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong phối hợp giải quyết các vấn đề của ngành...

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn chỉ ra 5 tồn tại, hạn chế mà ngành chưa khắc phục được. Cụ thể, chất lượng giáo dục tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục, còn hạn chế về giáo dục văn hóa và lịch sử dân tộc, đạo đức và lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhìn chung còn thiếu, lạc hậu và hiệu quả sử dụng hạn chế.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập, đề án xóa mù chữ. Công tác mở ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp còn một vài địa phương làm chưa tốt, khi mở ngành không chú ý đến nhu cầu nhân lực hoặc buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Việc dạy trược chương trình lớp 1, dạy thêm và thu góp sai quy định vẫn còn là vấn đề bức xúc trong ngành và xã hội.

Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, thi cử

Bộ GD-ĐT cho biết, học 2012-2013, Bộ và các Sở GD-ĐT tăng cường các giải pháp quản lý chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Đến nay đã có 38 tỉnh, thành phố ra Quyết định ban hành quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc đổi mới cách ra đề thi (nhất là các môn tự luận) theo hướng “mở” và gắn với các vấn đề thời sự của đất nước, qua đó giảm bớt yêu cầu học sinh học thuộc lòng, phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức thực tiễn và khả năng bày tỏ chính kiến của học sinh. Chính những thay đổi trong cách ra đề thi đã dẫn đến thay đổi cách học, cách dạy trong nhà trường, đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Kết quả thi đã sát với quá trình dạy học. Tuy vậy, tình trạng tiêu cực trong thi cử vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là mang “phao” vào phòng thi, thí sinh thản nhiên trao đổi bài, thậm chí làm bài hộ bạn vẫn còn xảy ra tại nhiều hội đồng coi thi.

Năm học tới, Bộ GD-ĐT đã vạch ra phương hướng nhiệm vụ là tiếp tục chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông. Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), nhân rộng mô hình này cùng với việc áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương. Mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, chú trọng ở cấp tiểu học.

Chỉ đạo điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn. Mở rộng cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp trong các trường trung học.

Đặc biệt, tích cực củng cố và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. Chấn chỉnh các sai phạm về dạy trước chương trình lớp 1, dạy thêm, thu góp sai quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thành lập trường, cho phép trường trung cấp chuyên nghiệp hoạt động giáo dục, thực hiện quy chế đào tạo, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp.
 
Ngày 20/7, tại Lâm Đồng, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2012 -2013 và Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013-2014 của Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp.

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, tổng số trẻ mầm non đến trường là 4.090.692 (tăng 217.247 cháu). Số học sinh tiểu học đến trường là 7.202.767 (tăng 101.817 em), học sinh THCS là 4.869.839 (giảm 56.562 em), học sinh THPT là 2.675.320 (giảm 79.890 em).

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm