Tư vấn ngành học:

Tôn giáo - ngành học quan trọng của Việt Nam và thế giới

Minh Minh

(Dân trí) - Kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng, về đời sống tâm linh của cộng đồng nhìn từ góc độ lý luận giúp chúng ta hiểu nguồn gốc và triết lý của nó, để thấy những giá trị tích cực và vận dụng vào đời sống.

PGS.TS Trần Thị Kim Oanh - Trưởng Bộ môn Tôn giáo học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, chia sẻ: "Tri thức về tôn giáo, tín ngưỡng cực kỳ phong phú, sống động và gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của chúng ta. Đó là một mạch nguồn nuôi dưỡng nên ý thức hệ và thế giới tinh thần của con người, giúp chúng ta hiểu về cội nguồn, bản sắc của cộng  đồng, dân tộc mình.

Bên cạnh đó, đời sống xã hội hiện đại đang xuất hiện thêm những hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng mới đòi hỏi sự giải thích, đánh giá từ góc độ của khoa học Tôn giáo. Do đó, đây là ngành học quan trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới và xã hội rất cần đội ngũ những cử nhân đại học có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về Tôn giáo học".

Tôn giáo - ngành học quan trọng của Việt Nam và thế giới - 1

Am hiểu về tôn giáo còn giúp mỗi cá nhân nâng tầm hiểu biết và cách cư xử với văn hóa tâm linh, văn hóa tôn giáo trong đời sống.

Lĩnh vực Trung tâm của đời sống tinh thần

PGS.TS Trần Thị Kim Oanh - Trưởng Bộ môn Tôn giáo học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, là thực thể xã hội, là nhu cầu của một bộ phận loài người. Tôn giáo cũng vừa là một bộ phận của ý thức xã hội đồng thời vừa mang tính văn hóa, lại có tính bảo thủ nên sự tiến triển của tôn giáo rất phức tạp.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Hầu hết các hình thức tôn giáo từ cổ đại đến hiện đại, từ Đông sang Tây đều có mặt ở Việt Nam. Sự tồn tại và phát triển của tôn giáo tác động, chi phối đến các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Theo ước tính hiện nay, 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài và hơn 40 lễ hội khác.

Riêng tôn giáo, hiện có 14 tôn giáo và 42 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Theo thống  kê chưa đầy đủ thì 14 tôn giáo có khoảng 24 triệu tín đồ, hơn 83.000 chức sắc, hơn 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hơn 25.000 cơ sở thờ tự.

Ở nước ta, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo thực hiện.

 Đảng và Nhà nước cũng xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong quá trình thực hiện dân chủ, đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Năm 2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời giúp thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân.

PGS.TS Trần  Thị Kim Oanh chia sẻ: "Tôn  giáo học là lĩnh vực khoa học liên ngành  và lĩnh vực hạt nhân trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội. Các luồng văn hóa, các tôn giáo trên thế giới dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam do những  điều kiện thuận  lợi về địa lý, lịch sử, góp phần tạo nên sự đa dạng của các loại hình tín ngưỡng, tôn  giáo. Các tín ngưỡng, tôn  giáo của Việt Nam có đặc trưng là dung  hợp, đan xen và hòa đồng với nhau.

Trong đó, các tín ngưỡng truyền thống phản  ánh đời sống tâm linh phong  phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Đây là những yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi tín ngưỡng, tôn giáo tuy mang  những  nét văn hóa riêng biệt nhưng đều chịu ảnh hưởng  của truyền thống  dân tộc, góp phần  tạo nên những  nét đẹp  trong  nền văn hóa đa dạng, phong  phú về bản sắc của dân tộc.

Niềm tin về tín ngưỡng, tôn giáo ẩn trong thế giới quan, ý thức hệ, tác động đến cách nhìn nhận xã hội, thế giới, đến các quyết định mà con người đưa ra hàng ngày. Người dân Việt Nam đã tạo những dấu ấn đậm nét trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội từ chính những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Theo PGS.TS Trần Thị Kim Oanh, một lĩnh vực quan trọng, rộng lớn với sức ảnh hưởng như thế rất cần đội ngũ những  người được đào tạo cơ bản, chuyên môn sâu  về tín ngưỡng, tôn  giáo  để  tham  gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo sao cho phù hợp với Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước Việt Nam và tôn trọng các điều ước quốc tế. Tri thức về Tôn giáo học cũng có những ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực xã hội như văn hóa, tâm linh, nghệ thuật, văn học, âm nhạc, kinh doanh...

 Những trường đại học nào đào tạo Cử nhân Tôn giáo học?

Tôn giáo học hiện được đào tạo tại các cơ sở như: Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM,  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Đại học An ninh Nhân dân, Trường Công tác Nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam... Nhưng Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN hiện là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo Tôn giáo học ở bậc cử nhân.

PGS.TS Trần Thị Kim Oanh thông tin, CTĐT cử nhân Tôn giáo học trang bị cho sinh viên những  kiến thức cơ bản, có hệ thống về tôn giáo, tín ngưỡng và những kiến thức cơ bản của các khoa học liên ngành gắn với Tôn giáo học; bảo đảm tính khoa học, hiện đại, tính tư tưởng giúp người học đạt trình độ hiểu biết căn bản về các hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng  trong lịch sử và hiện tại.

Bộ môn nghiên cứu và đào tạo Tôn giáo học dưới góc độ là khoa học liên ngành và định hướng theo 03 hướng chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nghiên cứu tôn giáo; Tín ngưỡng, tôn giáo thế giới và Việt Nam; Tôn giáo với đời sống xã hội.

Hướng chuyên  ngành  thứ nhất  tập trung  nghiên cứu lý luận Tôn giáo học để soi chiếu vào thực tiễn tôn giáo. Các môn  học chính gồm: Lý luận chung về tôn giáo, tín ngưỡng, Triết học tôn giáo, Tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội, Quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Quan niệm ngoài Mác xít về tôn giáo, Tôn giáo trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, Tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa và những vấn đề xã hội hiện nay...

Hướng chuyên ngành thứ hai hướng đến việc nhận diện các đặc trưng của những  tín ngưỡng, tôn giáo lớn ở Việt Nam và trên thế giới, dưới các góc độ về ý thức tôn giáo, sự thờ cúng, kết cấu tổ chức... Là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam có những tôn giáo du nhập từ phương Tây và cả những tôn giáo nội sinh. Các tôn giáo lớn của thế giới như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo và quá trình hình thành phát triển tại Việt Nam là những nội dung trọng tâm của CTĐT.

Tín ngưỡng  của các nhóm cộng đồng dân tộc cũng khá phong  phú. Sinh viên sẽ được học để hiểu sâu về các tín ngưỡng bản địa ở Việt Nam như: tín ngưỡng  thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng  thờ mẫu, tín ngưỡng  thờ Thành hoàng  làng và tín ngưỡng  của 54 dân tộc.

 Các môn học tiêu biểu là: Lịch sử các tổ chức tôn giáo, Tôn giáo học so sánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Tôn giáo dân tộc, Đạo giáo ở Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer - lịch sử và hiện tại, Văn hóa tín ngưỡng vùng Tây Nam Bộ, Đạo giáo ở Việt Nam, Công giáo ở Việt Nam, Đạo Tin lành ở Việt Nam - lịch sử và hiện tại, Hồi giáo ở Việt Nam, Phật giáo và Nho giáo ở Việt Nam...

Hướng chuyên ngành về vai trò và mối quan hệ của tôn giáo đối với đời sống xã hội là một mảng kiến thức được đánh giá là rất hấp dẫn, sinh động. Tôn giáo được nhìn ở nhiều chiều cạnh tranh  mối quan  hệ với văn hóa (nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc...), chính trị, kinh tế và đời sống thực tại... Các môn học cụ thể như: Văn học nghệ thuật và văn hóa du lịch tâm linh tôn giáo, Biểu tượng tôn giáo - cơ sở của văn hóa, Nghệ thuật âm nhạc tôn giáo, Quan niệm về Thiện - Mỹ qua biểu tượng của Mỹ thuật và văn chương Phật giáo dân tộc, Đạo đức tôn giáo với đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay, Phê bình học tôn giáo, Hán Nôm và thư pháp trong tôn giáo, Báo chí và truyền thông của tôn giáo, Công tác từ thiện xã hội và giáo dục đào tạo trong tôn giáo...

Cử nhân Tôn giáo học luôn được xã hội đón nhận

PGS.TS Trần Thị Kim Oanh cho biết, hiện nay những người làm việc trong lĩnh vực quản lý tôn giáo tại các bộ, ban, ngành và địa phương phần lớn chưa được đào tạo, chuẩn hóa qua trường lớp bài bản mà chủ yếu tự trang bị kiến thức từ thực tiễn. Do đó, nhu cầu xã hội về cử nhân Tôn giáo học khá cấp thiết.

Cử nhân ngành Tôn giáo học có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa dạng. Họ có thể công tác tại các cơ quan hoạch định đường  lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội. Hiện nay, cơ quan quản lý cấp Trung ương  và địa phương  của Nhà nước về hoạt động tôn giáo là Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo Sở Nội vụ các địa phương. Đây là những đơn vị tuyển dụng tiềm năng và rất phù hợp với năng lực chuyên môn của cử nhân Tôn giáo học.

Ngoài ra, sinh viên Tôn giáo học sau khi ra trường có thể làm việc tại Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân tộc, dân vận các cấp; làm quản lý, bảo tồn di sản, văn hóa, tín ngưỡng  tại các địa phương;  làm các công  việc liên quan đến nghệ thuật, kiến trúc tôn giáo...; làm chuyên viên điều phối, quản lý tại các dự án chính phủ và phi chính phủ về phát triển văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng.

Các lĩnh vực kinh doanh  các sản phẩm  liên quan đến  tôn  giáo cũng  là một  thị trường  lao động  tiềm năng cho cử nhân ngành học này. Hoạt động báo chí, truyền thông... trong lĩnh vực tôn giáo cũng là địa hạt phù hợp với cử nhân Tôn giáo học.

Bên cạnh đó, người học Tôn giáo học có thể tham gia hoạt động  nghiên cứu và giảng dạy các môn học thuộc lĩnh vực Tôn giáo, Tín ngưỡng, Văn hóa tại các trường đại học, viện nghiên cứu. CTĐT ngành Tôn giáo học còn đáp ứng nhu cầu hiểu biết chuyên sâu của một bộ phận những người là chức sắc trong các tôn giáo khác nhau.

"Những kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng, về đời sống tâm linh của cộng đồng nhìn từ góc độ kinh điển, lý luận giúp chúng ta hiểu sâu xa nguồn gốc và triết lý của nó, để thấy những giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và vận dụng vào đời sống.

Đồng thời, những hiện tượng vận dụng  tôn giáo một cách không lành mạnh, không  tích cực cũng được nhận  diện để đấu tranh xóa bỏ. Am hiểu về tôn giáo còn giúp mỗi cá nhân nâng tầm hiểu biết và cách cư xử với văn hóa tâm linh, văn hóa tôn giáo trong đời sống.

Tôn giáo là hiện tượng xã hội không bao giờ mất đi, do đó khoa học về Tôn giáo luôn có vị trí quan trọng song hành cùng đời sống văn hóa tinh thần của cá nhân, của dân tộc. Tôn giáo học luôn có những ứng dụng giá trị vào đời sống xã hội và cử nhân Tôn giáo học sẽ luôn được xã hội đón nhận" - PGS.TS Trần Thị Kim Oanh khẳng định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm