Tôi thẳng thắn từ chối một sinh viên đến nhà “xin điểm”

Đó là chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH tư thục Trí Việt tại tọa đàm "Tham nhũng trong giáo dục và xã hội Việt Nam" do Trường ĐH Hoa Sen phối hợp với FACE (viết tắt của "For A Clear Education - Vì một giáo dục sạch), tổ chức vào ngày 9/12.

Tham nhũng đang thách thức nhiều lĩnh vực
 
Tham nhũng đang thách thức nhiều lĩnh vực

Tại hội thảo, câu lạc bộ FACE cho biết, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đánh giá mức độ tham nhũng tại Việt Nam là nghiêm trọng. Tham nhũng đã len lỏi trong tất cả các lĩnh vực và tồn tại hiên ngang, thách thức.

Một sinh viên ra trường mất vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng để chạy một xuất làm việc. Khi có việc rồi họ tốn cả tỷ đồng để “chạy” ghế… Tất cả những khoản tiền mất này, họ tìm cách lấy lại.

Một sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường đi xin việc ở một trường tốn 50 triệu đồng thì khi có việc họ sẽ đè học sinh đi học thêm để thu lại số tiền 50 triệu họ đã bỏ ra và không dừng lại đó…

Hay như một suất chạy vào lớp 1 trường điểm cũng mất hàng nghìn USD, hay lót tay chiếc phong bì cho bác sĩ để được chăm sóc tốt, cho con đi học thêm để con khỏi bị cô giáo đì…
 
Tham nhũng đang thách thức nhiều lĩnh vực
Sinh viên ĐH Hoa Sen đặt câu hỏi hoài nghi về chuyện chống tham nhũng, làm trong sạch môi trường học tập.

Đừng góp phần tiếp tay cho tham nhũng

Góp một câu chuyện tại hội thảo về việc một sinh viên sư phạm từng đến nhà để “xin điểm”, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết đã thẳng thắn từ chối đề nghị của sinh viên này.

“Em yếu kém đến thế, tôi cứu em chẳng khác nào tôi vô tình làm hại hàng ngàn đứa trẻ sau này là học trò của em. Thế nên tôi chọn tương lai cho hàng ngàn đứa trẻ sau này, tôi không thể làm khác hơn”, bà Ninh nói.

Sinh viên đừng biến mình thành robot sao chép....
Sinh viên đừng biến mình thành robot sao chép....
 
Ngoài ra, lo lắng việc tham nhũng vặt, bào mòn các giá trị sống của con người và xã hội, bà Tôn Nữ Thị Ninh, cho rằng mỗi cá nhân đừng góp phần tiếp tay với tham nhũng, hạch sách của CSGT, bác sĩ, giáo viên…bằng cách chúng ta vi phạm thì đi nộp phạt, tuyệt đối không đưa hối lộ. Các bậc phụ huynh hãy để con cái học theo năng lực của mình, không chạy điểm, chạy trường…

Đồng thời, bà Tôn Nữ Thị Ninh đề xuất với Tổ chức hướng đến minh mạch mở rộng việc chống nham nhũng trong học đường, làm trong sạch nền giáo dục, triển khai thêm vào các trường ĐH công lập mà nhà nước quan tâm như ĐH Việt Đức, ĐH Việt Pháp.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh lo lắng việc tham nhũng vặt, bào mòn các giá trị sống của con người và xã hội
Bà Tôn Nữ Thị Ninh lo lắng việc tham nhũng vặt, bào mòn các giá trị sống của con người và xã hội.
 
TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cũng kể lại câu chuyện về đứa con gái 15 tuổi của mình: Chịu không thấu cảnh hàng ngày đến trường bị giáo viên “đì” vì cái tội không đi học thêm, nên tôi buộc phải đưa con sang Singapore “tị nạn giáo dục”. Đồng thời, chính con gái tôi bị ức chế khi thấy bạn bè “quay cóp” trong học tập, học yếu kém nhưng “biết đi học thêm” thì điểm cao.

Ngoài ra, theo TS Phượng, để tái tạo niềm tin cho thế hệ trẻ và giúp trẻ “nói không” với nhũng nhiễu, tham nhũng thì ngay từ bé gia đình, nhà trường phải dạy cho trẻ tính trung thực.

Bởi chỉ có sự trung thực mới hình thành được nhân cách con người trong sáng. Nền giáo dục Việt Nam đã mất tính trung thực, không còn học thiệt, thi thiệt mà thay vào đó là sự dối trá trong học tập bằng việc sao chép, không trích nguồn, quay cóp trong thi cử, đi phong bì chạy điểm cho giáo viên là những việc làm đã và đang được hình thành như một thói quen của các bạn học sinh, sinh viên.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quản lý dự án đài PTTH Bình Dương cho rằng: Khi chúng ta học thật với kiến thức của mình thì chúng ta sẽ không có thói quen tham nhũng, nhũng nhiễu. Và biết chống lại tham nhũng bằng những kiến thức mà mình có được thì không ai có thể “bứng” mình.

Theo Quốc Việt
Một Thế Giới