Bạn đọc viết:

“Tôi rất xót xa và đau lòng…”

(Dân trí) - Tôi là một giáo viên dạy kỹ năng mềm và cũng là chuyên viên tâm lý. Tôi rất xót xa và đau lòng mỗi khi phải đọc những bài viết về sự xuống cấp, suy đồi đạo đức của con người mà đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh.

Khi nhìn nhận một vấn đề, trước hơn hết chúng ta phải nhìn toàn diện và nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Ví dụ như một con số 6, thì người ở bên đầu này thì bảo là số 6 nhưng người đứng ở đầu kia thì bảo là số 9. Vì vậy để giải quyết cốt lõi của vấn đề thì phải đi tìm nguyên nhân sâu xa.

 

Biết bao nhiêu chuyện nào là trò đánh thầy, thầy đánh trò, trẻ phạm tội dưới tuổi thành niên ngày một tăng… Đó có phải là hệ quả của việc giáo dục không đến nơi đến chốn không? Mà nói cho rõ bản chất là vấn đề giáo dục đạo đức.

 

Sở dĩ tại sao trong chương trình giáo dục của chúng ta vẫn có môn Đạo đức mà để giá trị nhân văn, nhân bản của lớp trẻ ngày một xuống cấp, mai một? Có phải chăng chính những người làm giáo dục cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của môn Đạo đức thì làm sao truyền cái "lửa", cái tâm của mình đến học sinh.

 

Bên cạnh đó để học sinh thật sự thích thú, đam mê chú ý đến bài giảng Đạo đức thì cần rất nhiều yếu tố, trong đó kỹ năng sư phạm, kỹ năng dẫn dắt trình bày, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hình thể, cách đặt vấn đề, xây dựng tình huống, kiến thức xã hội phải rộng, kỹ năng tương tác… của các thầy, cô giáo. Đó, đòi hỏi cả một quá trình học tập và rèn luyện nghiêm túc của nghề giáo. Trên những phương diện đó, tựu trung lại thì hiện nay được bao nhiêu thầy cô giáo giảng dạy môn Đạo đức có được? Con số đó có như lá mùa thu hay chăng?

 

Vì vậy với quan điểm và tâm nguyện của tôi, rất mong muốn một ngày gần đây Bộ Giáo dục chỉnh trang, hệ thống lại những kiến thức, văn hóa (văn hóa giao tiếp, văn hóa giao thông, văn hóa môi trường...), cách đối nhân xử thế… được gọi chung là môn Đạo đức để giáo dục từ cấp mầm non đến bậc đại học. Và nên nâng tầm quan trọng của môn Đạo đức trong chương trình học.

 

Có nên chăng người "truyền lửa" cho bộ môn này không ai khác ngoài những cử nhân Tâm lý. Tôi nghĩ chỉ có họ mới phần nào hiểu được tâm lý ở từng giai đoạn lứa tuổi và chỉ có hiểu nhau mới dễ dàng chia sẻ cho nhau.

 

Nguyễn Linh

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!