Bạn đọc góp ý về việc dạy đạo đức cho học sinh
(Dân trí) - “Tôi có con trong độ tuổi đi học, tôi xem thấy sách dạy đạo đức cho lứa tuổi học sinh rất hời hợt. Giáo viên thì lo dạy kiến thức (thậm chí dạy thêm) hơn là dạy các con kỹ năng sống...”.
Nhân đọc bài viết về hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều bạn đọc gửi ý kiến đến báo bày tỏ quan điểm về việc dạy đạo đức cho học sinh. Xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ ý kiến:
“Tôi thấy đã từ rất lâu, chúng ta dường như quên mất việc dạy cho học sinh từ bậc tiểu học đến THPT những kỹ năng sống để làm người có tri thức và có văn hóa. Bộ GD-ĐT suốt bao nhiêu năm chỉ loay hoay đi tìm cách dạy kiến thức và thi cử. Tôi có con trong độ tuổi đi học, tôi xem thấy sách dạy đạo đức cho lứa tuổi học sinh rất hời hợt. Giáo viên thì lo dạy kiến thức (thậm chí dạy thêm) hơn là dạy các con kỹ năng sống. Có một thực trạng mà chúng ta có thể thấy rõ là: Nếu cho học sinh công lập hoặc kể cả dân lập thi kiến thức với các học sinh trường quốc tế (tại Việt Nam thôi, chứ chưa so với học sinh các trường nước ngoài) thì học sinh trường quốc tế chắc chắn thua. Nhưng nếu thi về kỹ năng sống thì học sinh của ta chắc chắn không thể bằng học sinh trường quốc tế. Nếu theo đến hết cấp THPT thì lúc đó chưa chắc học sinh chúng ta đã hơn học sinh về kiến thức !
Tôi có một người bạn làm giúp việc cho người nước ngoài, cô ấy kể là hầu như không thấy trẻ con nhà họ học bài ở nhà bao giờ, đi học thì thấy tham gia các hoạt động để tăng cường kỹ năng sống như hoạt động thể thao, các môn nhạc, họa… và nhất là thường xuyên đi giao lưu giữa các trường. Tại sao chúng ta cứ phải đi tìm những cái cao siêu, viển vông ở đâu? Trong khi các trường này họ đều phải đưa chương trình cho Bộ duyệt và chúng ta có thể học hỏi từ đó?
Nếu việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống này còn chậm trễ, sản phẩm giáo dục của chúng ta không biết sẽ thế nào? Ngày nay, đi ra đường chúng ta thấy nhan nhản học sinh vi phạm luật giao thông một cách vô tư coi như là “chuyện thường ngày ở huyện”, nói tục chửi bậy không biết ngượng mồm…
Chuyện giáo dục đạo đức và kỹ năng sống đã đến mức báo động mà tôi cảm thấy như Bộ GD-ĐT đang quá chú trọng đổi mới thi cử mà cho đến nay tôi vẫn thấy có rất nhiều bất cập.
Bạn đọc Nguyễn Việt Tuyền cho rằng:
“Ngoài vai trò của nhà trường, việc giáo dục trẻ nhỏ ngay tại gia đình cũng có phần không kém quan trọng. Theo tôi, cần làm tốt 2 điều sau:
1. Dạy cho trẻ có lòng nhân: ngay từ bé không cho trẻ giết hại sinh vật khi không cần thiết (cho dù là sinh vật nhỏ bé như cóc nhái, thằn lằn...) . Cứ tưởng đó là việc nhỏ. Nhưng dần dần lớn lên trẻ sẽ không gớm tay khi giết 1 con gà, chó, mèo. Rồi trưởng thành thì khả năng đâm chém nhau cũng có thể xảy ra chỉ vì thiếu lòng nhân.
2. Dạy cho trẻ lòng bao dung rộng lượng: Nhiều người lớn khen con mình khôn, biết giữ của khi nó không cho bạn chơi chung đồ chơi. Khi lòng ích kỷ được khuyến khích ngay từ nhỏ thì lớn lên khả năng nó chỉ quan tâm cho bản thân mà bỏ rơi cha mẹ và mọi người thân là chuyện không lạ.
Hai điều tưởng chừng đơn giản này nhưng không dễ thực hiện được trong ngày một, ngày hai. Thiết nghĩ người lớn phải thực hành 2 điều này trước khi dạy cho con mình nghe”.
Bạn đọc Nguyễn Đức Chiến nhấn mạnh:
“Cần coi trọng giáo dục đạo đức. Đạo đức là nền tảng của xã hội lòai người, vì vậy phải kết hợp giữa dạy chữ và dạy đạo đức. Nói thì dể, nhưng làm thì khó, muốn làm được, trước hết là người dạy phải có đạo đức, phải gương mẫu về đạo đức. Trong tinh hình hiện nay một số ít thầy, cô chưa làm được điều đó, do vô tâm, vô cảm, nhũng nhiễu, làm tiền, đánh nhau, chửi bậy, tham nhũng... Cần thanh lọc đội ngũ giáo viên, đổi mới việc thi tuyển giáo viên, ngoài chuyên môn, đưa môn đạo đức vào thi công chức ngành giáo dục”.
PV (tổng hợp)