Tôi không muốn trở thành "gà công nghiệp"

Một cô gái xin rút tên khỏi đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, rồi lại quyết định rời bỏ giảng đường đại học, chia sẻ câu chuyện làm thế nào đã thuyết phục được gia đình tin vào con đường mà cô lựa chọn.

Không riêng gì cá nhân tôi mà tuổi 20 của mỗi người đều ấp ủ rất nhiều những ước mơ, hoài bão và khát khao được cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng. Nhưng đã bao giờ có ai đó ngồi và tự hỏi mình đã làm được những gì để biến những ước mơ, hoài bão ấy trở thành hiện thực? Và đã có bao nhiêu trong số những ước mơ hoài bão ấy đã được thực hiện? Hay tất cả và mãi mãi vẫn chỉ là những dự định đang ấp ủ mà thôi?

 

Tôi đọc được ở đâu đó một câu nói đại ý rằng chẳng ai đánh thuế ước mơ cả cho nên các bạn trẻ hãy cứ mơ mộng đi, cớ gì phải hà tiện. Còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác...

 

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, không phải lo nghĩ gì nhiều. Thời bao cấp tuy còn có những khó khăn và cha tôi là một sĩ quan quân đội tuy luôn phải đóng quân xa nhà nhưng với tài xoay xở của mẹ tôi, một dược sĩ giỏi, chuyện học hành và cái ăn cái mặc của chị em tôi luôn được mẹ chăm lo chu đáo.

 

Ngay từ nhỏ, nhờ những mối quan hệ của mình mà mẹ đã gửi tôi được vào học ở một trong những trường "danh giá" tại cái thị xã tỉnh lẻ lúc bấy giờ (bây giờ đã lên thành phố), trường năng khiếu của tỉnh. Trong khi các bạn bè cùng trang lứa ngoài giờ học phải làm đủ mọi việc để đỡ đần cha mẹ nhằm giảm bớt những khó khăn của cuộc sống thì tôi chỉ biết có mỗi việc học và phải học làm sao cho giỏi mà thôi. Ngay cả sách giáo khoa lúc bấy giờ, hầu hết các học sinh đều phải thuê của nhà trường cứ hai ba bạn một cuốn dùng chung, thì tôi đã có riêng một mình một bộ mới coóng.

 

Và bài học đầu tiên mà tôi được học khi ngồi trên ghế nhà trường là: "Đất nước ta rất giàu và đẹp... có biển bạc rừng vàng...".  Khi ấy tôi còn quá nhỏ để có thể nói lên những suy nghĩ của mình nhưng tôi đã thấy trong số các bạn tôi, nhiều đứa luôn đến lớp với cái bụng đói và áo mặc không đủ che chắn hết cái lạnh của mùa đông.

 

Tôi cũng không dám thắc mắc vì chính mẹ tôi đã dạy tôi rằng, ở trường, các thầy cô luôn luôn đúng, còn ở nhà, ý kiến của cha mẹ giống như một mệnh lệnh, luôn là ý kiến cuối cùng. Cha tôi còn bảo tôi được sống một cuộc sống  sung sướng, đủ đầy hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác nên bằng mọi giá tôi phải học cho thật giỏi, không được dốt, dù bất cứ lý do gì...

 

Cứ thế, tôi lớn dần lên trong một môi trường gần như "vô trùng", thanh khiết.

 

Hàng ngày, tôi đến lớp ngồi nghe và cố gắng ghi chép không bỏ sót một chữ nào những lời thầy cô giảng nhưng nhiều khi không có hứng thú. Tôi (và các bạn cùng học lớp chuyên văn với tôi) không cần phải suy nghĩ và cũng chẳng phải bận tâm đến công việc sáng tạo "đầy nhọc nhằn và đau khổ vốn chỉ dành riêng cho những triết gia" (nguyên văn lời cô giáo dạy văn tôi năm lớp 9), bởi vì chỉ cần mỗi kỳ thi hoặc kiểm tra, kể cả thi học sinh giỏi, chúng tôi chỉ cần nói lại y như những gì thầy cô giảng là đã được điểm cao rồi

 

Và sự thật diễn ra đúng như thế khi mà tôi đã đoạt giải nhì tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi năm ấy khi bình luận về những ý kiến trong tác phẩm của nhà văn Xô-viết M. Gorki. Mặc dù ngay khi ấy, tôi đã nghĩ mình có thể viết khác đi nhưng lại sợ làm sai lời cô dạy. Bởi vì, ngay trên lớp, mỗi lần chúng tôi xin phát biểu ý kiến, nếu là ý kiến riêng của cá nhân, thì chưa biết đúng sai thế nào, đều không được coi trọng.

 

Lên cấp ba, được học ở trường chuyên duy nhất của tỉnh nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Mặc dù đây là nơi đào tạo những học sinh giỏi, đại diện cho tỉnh nhà tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và chúng tôi được học theo kiểu "luyện gà nòi". Tôi học chuyên văn nên học giỏi văn, dĩ nhiên rồi. Tôi cũng muốn học giỏi, hoặc chí ít cũng phải lĩnh hội được kiến thức cơ bản của những môn học khác nhưng không thể thực hiện được. Hầu hết số tiết học trong tuần được nhà trường bố trí dành cho môn văn, không còn thời gian để học kỹ các môn học còn lại mà chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa".

 

Các thầy cô nói nhà trường phải dành ưu tiên cao nhất cho môn thi học sinh giỏi quốc gia. Nhưng ngay từ lúc đó, tôi đã ý thức được rằng, giải thưởng và thành tích là quan trọng. Nhưng cái mà chúng tôi cần hơn là kiến thức thực sự để bước vào đời. Vì thế năm ấy tôi đã xin rút khỏi tên trong đội tuyển học sinh tham dự kỳ thi quốc gia và cắm đầu vào học các môn khác nhằm lấp đầy những lỗ hổng kiến thức đã bị xem thường bấy lâu nay.

 

Để làm được việc này, tôi phải có một quyết tâm ghê gớm nhưng bố mẹ tôi đã bị sốc thật sự. Bố mẹ tôi không nghĩ rằng tôi có thể làm trái lời bố mẹ, quan trọng hơn nữa là có thể làm hỏng tương lai của mình. Sau này nghĩ lại, tôi nhận thấy rằng những suy nghĩ của mình lúc đó có phần trẻ con và những hành động ấy thật nông nổi, nhưng không phải là không có lý bởi tôi đã dám mạnh dạn vượt qua rào cản tâm lý để thực hiện ước mơ của mình cho dù thành công hay thất bại.

 

Thế rồi tôi thi trượt đại học và bị suy sụp tinh thần tưởng như không thể đứng dậy. Tôi bắt đầu cảm thấy ân hận và nguyền rủa những quyết định ngông cuồng của mình. Tôi, một đứa trẻ từ lúc được sinh ra cho đến khi rời khỏi mái trường trung học luôn luôn được bao bọc, chở che, chưa một lần va vấp với cuộc sống. Trong những suy nghĩ của tôi được gia đình và các thầy truyền dạy thì tất cả mọi điều đều tốt đẹp và cuộc sống luôn có màu hồng. Vậy nên việc trượt đại học đối với tôi quả thật là ghê ghớm, chỉ mới nghĩ đến thôi tôi đã cảm thấy quá sức chịu đựng của mình...

 

Rồi mọi chuyện cũng trôi qua, tôi đã trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ngay năm sau đó, tôi đã thi đỗ đại học nhưng việc học cũng chỉ kéo dài được cho đến hết chương trình đại cương. Ngày ngày lên giảng đường nghe giảng, tôi thấy nhiều bài học, môn học nặng về lý thuyết mà thiếu tính thực tiễn và không bổ ích. Tôi quyết định bỏ học và đi làm.

 

Đó có phải là quyết định ngông cuồng hay không, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tự mình trả lời được. Chỉ biết rằng, sau đó, tôi đã lăn lộn làm đủ mọi công việc để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống tại thành phố mà thứ gì cũng đắt đỏ. Lại một lần nữa bố mẹ tôi bị sốc nhưng lần này thì im lặng. Nhiều lúc tôi có cảm giác như bố mẹ tôi đã từ tôi. Tôi cứ sống tạm bợ như thế cho đến một ngày tôi chợt nhận ra rằng mình còn có một nghề có thể đảm bảo chắc chắn cho tương lai của mình, đó là nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu tôi đã biết làm từ bé và đã từng đoạt được giải Bàn tay vàng của tỉnh trong một cuộc thi nghề.

 

Và không ai khác chính bố tôi, sau khi về hưu đã mở một công ty sản xuất những mặt hàng này và đã có những thành công nhất định, đã được tỉnh cấp cho mấy nghìn mét đất tại khu công nghiệp để mở rộng sản xuất. Bố có thể giúp tôi, tôi nghĩ thế và quay về. Bây giờ tôi đang dồn sức cho công việc này và lần này thì tôi thấy mình đã đúng, dù thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào sự nỗ lực cố gắng của cá nhân tôi và cả tập thể.

 

Tôi đã đọc những trang nhật ký của nữ bác sĩ- liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc. Hơn bao giờ hết tôi thấy cảm phục tuổi 20 của các anh các chị đã cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng, cho đất nước. Các anh các chị đã từng ngày, từng giờ làm việc và hy sinh để biến ước mơ thành hiện thực. Còn tôi, tôi cũng có ước mơ và hoài bão nhưng tôi đã làm được những gì?

 

Tôi đã đi qua tuổi 20 và có phần lãng phí nó nhưng cho đến bây giờ tôi không còn cảm thấy ân hận về những quyết định từng được coi là sai lầm trước kia. Tôi đã vấp ngã nhưng chính mặt đất lại là một điểm tựa giúp tôi đứng dậy.

 

Nguyễn Khánh Linh

(Phòng PR, Công ty Cổ phần mây tre đan xuất khẩu Minh Khoa, 14/2 ngõ 85 Phan Bá Vành- TP. Thái Bình)

Theo Nhân Dân/ Vietnamnet