Bạn đọc viết:
Tôi được truyền cảm hứng học từ cô giáo dạy Địa lí
(Dân trí) - Năm học lớp 12, cô Đinh Thị Thu dạy môn Địa lí đã truyền cho tôi cảm hứng học, tôi vẫn nhớ cảm giác chờ đợi đến tiết học của cô. Bài giảng của cô luôn thu hút học trò bởi kiến thức sâu rộng và nhuần nhuyễn mà cô giảng, cô nắm bắt tâm lý của học sinh rất giỏi.
Tôi luôn nhớ về thầy cô với những kỉ niệm bồi hồi, xúc động dù tôi từng là “học sinh cá biệt” trong lớp. Năm lớp 12, tôi chuyển trường từ cấp 3 chuyên tỉnh về học tại trường huyện gần nhà với lý do không thể học tiếp tại thị xã vì chán nản, lạc lõng. Về quê nhà học, tôi luôn nhìn thấy rất nhiều dấu hỏi từ mọi người xung quanh, hẳn là tôi học hành bi bét, hẳn là tôi mải yêu đương, nếu không sao phải chuyển về quê? Những dấu hỏi dần được trả lời, đúng là tôi đã chán học thật rồi khi tôi thường lơ đãng, thường trốn tiết, thi chọn vào đội tuyển của trường thì rớt ngay từ vòng loại. Tôi cảm thấy mình đã rớt xuống vực thẳm khi không còn tha thiết gì với bài vở, với trường lớp, với bạn bè. Tôi chỉ thấy buồn chán, hoang mang và tuyệt vọng khi tự hỏi, mình sẽ ra sao khi tốt nghiệp cấp 3?
Nhưng năm học lớp 12 ấy không hoàn toàn vô nghĩa. Cô Đinh Thị Thu dạy môn Địa lí (Trường THPT Mỹ Đức A - huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã truyền cho tôi cảm hứng học, tôi vẫn nhớ cảm giác chờ đợi đến tiết học của cô. Bài giảng của cô luôn thu hút học trò bởi kiến thức sâu rộng và nhuần nhuyễn mà cô giảng, cô nắm bắt tâm lý của học sinh rất giỏi. Cô biết rõ, dù cô giảng hay cỡ nào thì cũng có lúc học sinh mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật trên lớp hoặc học trò vẫn vờ lắng nghe cô chăm chú nhưng tâm trí có khi đang mải mê những đâu đâu. Thế là giữa bài giảng, cô sẽ dành 5-7 phút kể chuyện vui của cô thời sinh viên cô yêu ra sao, cô nghịch ngầm thế nào, cô có bao nhiêu cái đuôi lẽo đẽo đi sau, lúc lấy chồng cô cũng chưa rành nấu ăn... Cả lớp cứ ồ à thích thú, chúng tôi lại tỉnh như sáo. Chỉ 5 phút “thư giãn”, cô lại quay lại say sưa với bài giảng về những vùng đất, thổ nhưỡng, khí hậu...
Tôi thích nhất là cô Thu không bao giờ chê bai học sinh, cô chỉ kể một câu chuyện nào đó rất xa xôi và mơ hồ như ngầm nhắc nhở. Tôi cứ thích nhìn cô cười, nụ cười trẻ trung và duyên dáng. Mặc dù cô không chủ nhiệm lớp tôi nhưng bất cứ chuyện gì của lớp, cô đều biết, cô khen ngợi hoặc động viên, có khi là vài lời cảm thán bâng quơ khi lớp tôi có bạn nào đó đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, bạn nào đó đang có chuyện không vui, bạn nào đó đang bị thầy cô kiểm điểm. Buổi học cuối cùng của lớp với cô, cô đã nói những lời động viên và chia tay đầy xúc động, chúng tôi đứa nào mắt cũng đỏ hoe...
Tôi chưa vội chia tay cô Thu, vì tôi thi trượt đại học và tiếp tục ôn thi tại trường thêm năm nữa. Tôi thành học sinh lớp 13 đúng nghĩa và đi học theo kiểu được chăng hay chớ, bất mãn vì bạn bè đều đã bay cao bay xa tại Hà Nội. Tôi học ôn cô Thu cả năm mà chẳng chịu đóng tiền học ôn cho cô đồng nào. Tôi cũng không trình bày gì với cô cả mà còn khoác lác với bọn bạn, cô Thu là hàng xóm nên tôi được học miễn phí, mặc dù bố mẹ vẫn cho tôi tiền đóng học đàng hoàng.
Chuyện này, đến mãi hàng chục năm sau tôi mới kể ra làm bạn bè lè lưỡi kinh ngạc vì tôi “quá liều”. Thế mà cô chưa bao giờ nhắc chuyện đóng học, cô còn khuyên nhủ tôi chú tâm lo học, lo thi.
Tôi thi trượt đại học lần 2, đi học trung cấp nghề và quên hết cả thầy cô, không đến thăm thầy cô nào vì xấu hổ quá, cũng đèn sách như ai mà chẳng nên trò trống gì. Mãi đến khi đi làm, xa trường lớp hàng chục năm, chúng tôi mới hò hẹn nhau họp lớp, hò hẹn nhau ngày hội trường, gặp thầy, gặp cô mà rưng rưng, nghẹn ngào xúc động. Thầy cô mái tóc đã pha sương chỉ riêng nụ cười vẫn ấm áp và yêu thương học trò biết bao!
Ngày hội trường, thầy cô như trẻ lại trong vòng vây của học trò từ nhiều khóa tụ về, trong nắng gió mùa thu xao động. Chúng tôi tíu tít chụp ảnh kỉ niệm cùng thầy cô, học trò 35 tuổi mà gặp cô vẫn cứ đùa nghịch như ngày nào 17, 18 tuổi.
Cô Thu ơi, ngày ấy em đi thi đại học thì điểm cao nhất là điểm Địa lí mà điểm thấp nhất cũng là điểm Địa lí, em đã đọc nhầm đề, từ “công nghiệp vùng châu thổ sông Hồng” thành “nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng”, bao lâu nay cứ nói đến chữ thi đại học là em toát mồ hôi. Em làm công nhân đường sắt, em đi tàu hỏa rung lắc xình xịch tới Lao Cai, Lạng Sơn mà thấy mê vì nhiều vùng đất mới mẻ, đẹp nao lòng, em lại viết thơ tình như ngày nào... Tôi chẳng chút ngần ngại tâm tình với cô Thu trên Facebook, cô trò trêu chọc nhau cứ như thể bạn bè...
Cô nói, những ngày khai giảng bây giờ cô phải đếm lùi vì sẽ đến ngày cô rời xa bảng đen, phấn trắng. Nhưng tôi tin, trong kí ức biết bao thế hệ học trò, cô vẫn luôn là mẹ hiền vì sự yêu thương, gần gũi và bao dung...
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!