Tổ chức chính thức đầu tiên kết nối trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới ra đời
(Dân trí) - Lần đầu tiên trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ Việt Nam trên toàn cầu có một tổ chức đoàn kết, có tiếng nói chung. Mạng lưới là kênh tham vấn cho Chính phủ, các cơ quan chức năng về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước; nghiên cứu khoa học; đào tạo theo yêu cầu; chuyển giao tri thức...
Ngày 29/11, tại TP. Đà Nẵng - Việt Nam, Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu được thành lập và ra mắt. Mạng lưới được xây dựng trên cơ sở Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất (diễn ra từ 27-29/11/2018).
Phát biểu chúc mừng Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất và ra mắt Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất TƯ. Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam nói: “Hoạt động của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu dưới sự định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của Đoàn Thanh niên sẽ giúp cho các bạn tiếp tục và liên tục gắn kết, chia sẻ với nhau.
Chúng tôi sẽ tăng cường cơ chế thông tin để các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước có thể nắm được thông tin nhanh nhất, chính xác nhất định hướng phát triển, nhu cầu của đất nước, qua đó có những đặt hàng nghiên cứu, tham vấn... để các bạn phát huy khả năng của mình một cách cụ thể cho sự phát triển của đất nước ở những lĩnh vực, nội dung mà các bạn có thế mạnh.
Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ với các bạn những vấn đề mà thanh niên Việt Nam quan tâm và cần. Đó cũng chính là điều kiện để các bạn giúp chúng tôi, đồng hành với chúng tôi trong quá trình xác lập giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên”.
Anh Lê Quốc Phong khẳng định Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ được tổ chức thường niên và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ hoạt động thường xuyên. Đó sẽ là kênh kết nối liên tục của các tri thức trẻ trong và ngoài nước.
Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là diễn đàn của các trí thức trẻ đang sinh sống ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu. Đồng thời, thảo luận và đề xuất các cơ chế thu hút, phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, sáng tạo của đất nước vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Mạng lưới hướng đến mục tiêu trở thành kênh tham vấn cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Đây là hoạt động cụ thể triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, thể hiện vai trò tiên phong của tổ chức Đoàn trong việc tạo ra các cơ chế, cách thức hiệu quả, đoàn kết, phát huy lực lượng thanh niên, trí thức trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Mạng lưới cũng hướng đến xây dựng cơ chế tham mưu, kiến nghị các chính sách nhằm thu hút, phát huy nhân tài một cách thiết thực, hiệu quả; từ đó, khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.
PGS. TS Trần Xuân Bách, Tổng Thư ký của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu: “Nguyên tắc chính của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là chung tay góp sức, đoàn kết và bình đẳng, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, thông tin, tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm và cơ hội".
PGS.TS Trần Xuân Bách, Tổng Thư ký của Mạng lưới vừa thành lập này cho biết: “Nguyên tắc chính của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là chung tay góp sức, đoàn kết và bình đẳng, cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, thông tin, tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm và cơ hội. Do đó, mỗi trí thức đều mang một sứ mệnh đi tiên phong, là đại sứ của tinh thần thanh niên xung kích trong khoa học và công nghệ, để lan tỏa, mở rộng đội hình, nuôi dưỡng, bồi đắp các ý tưởng, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, cộng hưởng để phát triển”.
Tổng thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ nhấn mạnh: “Tất cả các nhà khoa học trẻ, ở bất cứ nơi đâu, ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể đóng góp”.
Mạng lưới tạo ra một tiếng nói chính thống, tập trung, và đại diện cho mong muốn và nguyện vọng của đông đảo các cán bộ khoa học trẻ, tăng cường sự tham gia trao đổi, chuyển giao tri thức, ứng dụng thực tiễn và thông tin đến quá trình hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.
Các đại biểu không chỉ là đại biểu của Mạng lưới mà còn phát huy vai trò của một người Đại sứ Khoa học Thanh niên ở tất cả mọi nơi mình sinh sống, học tập và làm việc.
Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tập hợp thành phần và cơ cấu đa dạng về tuổi, địa dư, lĩnh vực và các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp khoa học để thể hiện khả năng kế tục sâu sắc.
Mạng lưới sẽ hoạt động chủ yếu thông qua các mô hình kết nối, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, dưới sự hỗ trợ và ủng hộ mọi điều kiện của TƯ. Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, với đông đảo tầng lớp thanh niên và xã hội. Vì vậy, đây là mạng lưới đại diện của chính chúng ta, do chúng ta xây dựng và dẫn dắt, góp phần tạo nên sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng.
Ở phạm vi khởi đầu, Mạng lưới sẽ tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thường niên với kỳ vọng sẽ tập hợp, kết nối các trí thức trẻ Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh đó, Mạng lưới cũng sẽ tổ chức và điều hành những đơn vị nhỏ nhất là các nhóm nghiên cứu liên ngành (Research groups: RG). Đó có thể chỉ là việc 3-5 nhà khoa học cùng quan tâm đến 1 vấn đề liên ngành, có những thảo luận nhỏ, có sự sưu tập các các bài báo background và các online courses để người học làm nghiên cứu có thể theo học và chủ động tự học.
Bước tiếp theo của mô hình RG liên ngành là các cơ chế luân chuyển internship, cho người học trải nghiệm nhiều môi trường. Và cuối cùng là các cơ chế seed-fundings. Lý tưởng nhất, chúng ta sẽ kết hợp các RG với các mentor là các GS quốc tế có khả năng định hướng và chủ trì về ý tưởng trong phát triển các miền nghiên cứu.
Trong ngày 29/11/2018, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam đã thống nhất cơ chế hoạt động, thông qua quy chế và ra mắt với gần 200 thành viên là các nhà khoa học trên toàn cầu.
Mai Châm