Tình thầy cô gieo chữ trên non
(Dân trí)- Để giữ vững được số lượng học sinh, các thầy cô giáo ở xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai) phải vất vả đến các nhà khuyên nhủ từng HS, thậm chí phải vượt sông dữ để đến trường điểm làng cõng HS đi học rồi còn bị HS cắn vào vai vì không muốn đến lớp…
Bỏ tiền lương mua kẹo “dụ” học sinh
Để đảm bảo đủ số học sinh dự khai giảng năm học mới, toàn thể giáo viên ở Trường mẫu giáo Hoa Huệ, Trường tiểu học Lê Lợi và Trường THCS Phan Đăng Lưu (xã Ayun, Chư Sê, Gia Lai) phải trích tiền lương để… mua bánh kẹo phát cho học sinh. Bởi học sinh nơi đây còn đói nghèo, vẫn còn “triết lý” cái chữ không làm no bụng được.
Thầy Trần Văn Đạt, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi, dạy tại trường điểm làng Kpắih cho biết: “Mỗi lần khai giảng trường phải bỏ ra cả tiền triệu để mua bánh kẹo phát cho học sinh, nên ngày khai giảng không thiếu một em nào”, thế nhưng sau ngày khai giảng thì lớp học lại vắng tanh.
6 năm đi dạy, có một kỉ niệm mà cô giáo mầm non Nguyễn Thị Tuyết không bao giờ quên: Khi cô được giao nhiệm vụ vào làng Kpắih dạy học, cũng như mọi giáo viên dạy tại trường điểm làng khác, cô Tuyết phải vào tận nhà gom học sinh đi học. Nhưng cậu bé tên Xe lại “căm ghét” đi học, gia đình nói thế nào cậu cũng trốn và khóc không chịu đi. Kéo không được cậu bé đi, cô Tuyết liền cõng cậu bé lên lưng để đưa đến trường. Vừa khuất nhà một đoạn, cậu bé đè vào lưng cô giáo để cắn, rồi khóc đòi thả xuống để về nhà. Cố gắng chịu đau, cô giáo đã đưa được cậu bé vào lớp, cứ như vậy… và đến bây giờ cậu bé đã lên được lớp 2. |
Năm học nào cũng vậy, hai tháng đầu là khổ nhất, học sinh không chịu đến lớp, các thầy cô giáo phải đến từng nhà để vừa vận động, vừa “chộp” học sinh và thậm chí là phải cõng các em “gom” đến lớp.
Đưa được lũ trẻ vào lớp không phải dễ, nhưng để các em chịu ngồi yên và học hành lại là cả một vấn đề. Hàng ngày các giáo viên mầm non phải trích những đồng lương ít ỏi của mình ra mua bánh kẹo, nghĩ ra những trò chơi hay để cho các em ngồi học cho hết buổi.
“Dạy học ở đây, lương giáo viên ăn một nửa, còn một nửa để tiền mua bánh kẹo cho học sinh. Giáo viên cũng phải tài trợ tiền bút sách cho học sinh vì không có dự án nào tài trợ mua sách vở và đồ dùng cho học sinh cả”, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên mầm non, tâm sự.
Đặc biệt, vì Ayun là xã nghèo, hầu như không có người Kinh sinh sống nên trẻ em nơi đây đều không biết tiếng Việt. Để dạy tiếng Việt cho lũ trẻ các cô giáo, thầy giáo không chỉ phải học thêm tiếng địa phương, mà để hiểu được nhau cả cô và trò phải dùng hành động để diễn đạt thay lời nói: “Dạy phải dạy bằng chân, tay giống như mình học tiếng Anh, và dạy tiếng Anh ấy”. Còn vấn đề tiếp thu thì khỏi phải bàn. “Một bài hát nếu học sinh miền xuôi học hết 1 tuần thì học sinh ở đây học ít nhất là một tháng mới thuộc”, cô Tuyết chia sẻ.
Với thầy Đạt, mỗi buổi đi dạy thầy phải đến từng nhà gọi các em đi học, nhiều lúc đến nhà thì học sinh đi vắng hết. “Hỏi bố mẹ thì họ cũng không biết. Thế là tôi phải đi khắp nơi để tìm học trò. Học xong thì các em không chịu mang sách vở về nhà học, mà mang về có khi bố lấy làm giấy hút thuốc. Còn đang dạy bố mẹ đến kêu học sinh về đi rẫy, là chúng liền bỏ sách vở lại đứng lên về. Lúc đó thầy, cô cũng chỉ biết đứng nhìn… Nhưng cuối năm cũng phải khiến cho các em đạt được chỉ tiêu về chất lượng”, thầy Đạt dí dỏm nói.
Đi dạy, phải mang thêm 1 bộ quần áo
Thuộc xã Ayun, nhưng làng Kpắih lại như một ốc đảo vì bị chia cắt bởi dòng sông Ayun. Không có cầu, vào mỗi mùa mưa lũ nước dâng cao những em nhỏ không thể bơi qua sông đến trường được. Chính vì vậy, các thầy cô giáo đã vào tận làng để mở trường điểm làng cho các lớp mầm non, 1, 2, 3 để dạy học cho các em. Cũng đồng nghĩa với việc các thầy cô vào đây phải đem mạng sống ra “đánh cược” với thủy thần.
Mỗi ngày đi dạy phải chạy xe 25km đường đồi núi để vào xã Ayun, chạy thêm 5km nữa mới đến được bên kia sông của làng Kpắih. Để sang được sông, cô Tuyết phải lội qua sông vào mùa khô và liều mình bơi vào mùa mưa lũ. Hành trang cô mang theo không chỉ là sự nhiệt huyết với nghề, tình thương với họ trò, bánh kẹo, mà còn cả… “bộ quần” thứ 2 để thay sau mỗi lần lội sông: “Lần nào đi dạy tôi cũng phải mang theo một bộ quần áo, sang bên kia sông lại tìm bụi cây rậm để thay đồ”, cô Tuyết nhớ lại.
Hai năm nay, các thầy cô vào trường điểm làng Kpắih bớt lo sợ khi được phòng giáo dục huyện tài trợ cho chiếc bè tre để qua sông. Nhưng hiểm nguy vẫn còn rình rập bởi vào mùa mưa nhiều lúc con sông Ayun trở nên hung dữ, dù đã đi bè nhưng nhiều lúc cáp đứt, nước to đã cuốn bè và người theo.
Thầy Trần Văn Đạt đã không ít lần bị lũ cuốn cả người và bè, nhiều lúc qua sông mà vẫn rùng mình nhưng thương lũ học trò nghèo nên hơn 3 năm nay thầy vẫn bám làng dạy lớp ghép. “May mắn mà trời cho mình sức khỏe và cơ thể cũng hơi to cao, bơi lại khỏe phải nói, nên mới dám xung phong vào làng dạy. Nhiều hôm nước to quá, thương học trò nhưng cũng đành bó tay đứng bên này sông nhìn nước lên”, thầy Đạt tâm sự thật tình.
Thầy Đạt còn cho biết thêm, mới đây có cô giáo trẻ tên là Kiều Nhung đến điểm làng Kpắih dạy. Được một hôm chèo bè vào làng dạy, sau hôm đó không còn thấy cô quay lại Ayun nữa.
Thương học trò là vậy, chịu khổ, chịu khó và nhiệt huyết với nghề thì có thừa nên khó khăn vẫn không làm đội ngũ giáo viên nơi đây nản lòng. Tuy nhiên, một nỗi buồn vẫn còn tồn tại đối với cả thầy và trò nơi xã nghèo nhất của huyện Chư Sê này….
Bài và ảnh: Thiên Thư