Tin nhắn học sinh "nhìn rất nghèo": Sự kỳ thị, xúc phạm trong trường học

Hoài Nam

(Dân trí) - Giáo viên nêu đích danh tên học sinh cùng nhận xét "nhìn rất nghèo" trong nhóm chung của lớp là biểu lộ của sự kỳ thị, xúc phạm tàn nhẫn gây xôn xao dư luận.

Những ngày qua, mạng xã hội sửng sốt và liên tục chia sẻ nội dung tin nhắn được phụ huynh chụp lại được cho là của một giáo viên tiểu học nhắn trong nhóm trao đổi thông tin của lớp.

Nội dung tin nhắn thể hiện cô giáo đang tổng hợp số lượng học sinh đăng ký bán trú.

Tin nhắn học sinh nhìn rất nghèo: Sự kỳ thị, xúc phạm trong trường học - 1

Tin nhắn cô giáo nói học sinh "nhìn rất nghèo" gây xôn xao (Ảnh chụp lại màn hình).

Sau khi liệt kê danh sách một số em không tham gia ăn bán trú, cô chỉ đích danh tên một học sinh khác cùng ghi chú "Nhìn rất nghèo có tham gia bán trú được không để cô cắt ngay từ đầu. Còn ăn thì phải đóng tiền đúng thời gian".

Sự việc được cho là xảy ra tại Trường Tiểu học Phú Trinh 2, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Ngay sau khi nắm thông tin, UBND TP Phan Thiết chỉ đạo Phòng GD&ĐT nhanh chóng xác minh, làm rõ.

Phòng GD&ĐT Phan Thiết đã yêu cầu Ban giám hiệu Trường tiểu học Phú Trinh 2 kiểm tra thông tin, nếu đúng phải xin lỗi học sinh và phụ huynh, cử giáo viên khác làm công tác chủ nhiệm.

Đồng thời đơn vị này cũng chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiếp tục quán triệt trong đội ngũ giáo viên, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phổ cập giáo dục tiểu học nghĩa là mọi công dân trong độ tuổi đều phải được quyền học tập. Vậy nhưng, không ít đứa trẻ đã phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt có khi đến từ chính những người có trách nhiệm giáo dục, nâng đỡ các em.

Giáo viên nhắc đến học sinh trong nhóm kèm theo lời nhận xét "nhìn rất nghèo" gây sát thương thì thật không dám hình dung bên ngoài, cô sẽ nhìn em với ánh mắt như thế nào? Cô sẽ dạy những học trò của mình cư xử với nhau ra sao?

Nhưng đau lòng thay, lời nhận xét về gia cảnh học trò "nhìn rất nghèo" với thái độ kỳ thị, phân biệt như vậy trong trường học không hiếm.

Sự việc cách đây không lâu xảy ra tại Trường tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) làm choáng váng dư luận cũng chính từ thái độ công khai kỳ thị phụ huynh, học sinh khó khăn ngay trong môi trường phổ cập giáo dục.

Clip lan truyền trên mạng thể hiện, trong buổi họp phụ huynh của một lớp 3 trường này, phó ban đại diện phụ huynh lớp đứng lên "chỉ mặt gọi tên" những phụ huynh mà người này cho là khó khăn cùng lời kỳ thị "khó khăn đừng theo lớp này".

Người này hướng về phía một phụ huynh ngồi họp phía dưới nói rằng chị nhớ mặt em, em khó khăn nhất trong lớp, em đi chiếc xe đạp rất tội nghiệp. Vị phó trưởng ban cũng nói thêm mình đã nhắc phụ huynh "khó khăn nhất" này đừng theo lớp này mà sao vẫn cứ theo.

Tiếp đó, vị phó ban chỉ thẳng vào phụ huynh được cho là khó khăn nhất lớp, yêu cầu: "Đứng lên em, nói lớn lên, hoàn cảnh khó khăn, nói lớn lên... Em M.T. cũng khó khăn, nói lớn lên, đọc tên cho chị nghe... Rồi mẹ T.K., hoàn cảnh khó khăn cực kỳ. Cuối năm chị có nói em không, đứng lên cho cô hiệu trưởng thấy mặt...".

Buổi họp đó có sự chứng kiến của hiệu trưởng trường này và giáo viên chủ nhiệm lớp.

Tin nhắn học sinh nhìn rất nghèo: Sự kỳ thị, xúc phạm trong trường học - 2

Buổi họp phụ huynh chỉ đích danh nhiều "bố mẹ khó khăn" xảy ra tại Trường tiểu học An Hội, Gò Vấp, TPHCM (Ảnh chụp lại màn hình).

Tại Đắk Nông cũng từng xảy ra sự việc em học trò tiểu học hoàn cảnh đặc biệt - bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ nên phải sống với bà ngoại nghèo khó - bị nhà trường gây khó dễ vì không có 550.000 đồng đóng tiền quỹ trường.

Lẽ ra, trong hoàn cảnh của em, nhà trường cần tìm cách hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ thì trường chọn cách không trả học bạ làm học trò của mình bị gián đoạn trong việc chuyển cấp lên lớp 6.

Đó chỉ mới là những sự việc được dư luận, truyền thông biết đến, còn thực tế sự kỳ thị, phân biệt trong trường học còn "muôn hình vạn trạng".

Đâu đó nào thiếu những cái tủi hờn của học trò nghèo khi các dịp lễ, Tết... không có được món quà "nhìn cho được" để tặng thầy cô. Nào thiếu những đứa trẻ đến lớp với tâm trạng lo lắng, bất an khi chúng không thể đến chỗ cô giáo học thêm.  

Ông Nguyễn Minh Trung, nhà hoạt động giáo dục độc lập ở TPHCM cho hay, trường học hiện nay rất "sùng" đồng phục. Có khi năm nay người ta chỉnh kiểu cách, mẫu mã, năm sau lại thay chất liệu, thêm hoạt tiết…

Không chỉ quần áo, nhiều nơi còn phải đồng phục từ vở, bìa bao, nón, ba lô, thậm chí cả giày dép làm phụ huynh "đắm đuối". 

Đồng phục luôn được khoác lên chiếc áo vô cùng mỹ miều, nhân văn là để tránh phân biệt, kỳ thị giữa học sinh này với học sinh khác, giữa học sinh khó khăn và học sinh có điều kiện không còn khoảng cách.

Vậy nhưng, theo ông Trung sự phân biệt, kỳ thị đáng sợ không nằm ở vẻ ngoài của chiếc áo, chiếc nón, đôi giày. Thứ phân biệt, kỳ thị đáng sợ nhất nằm trong ánh mắt, suy nghĩ, cách nhìn, nhận thức, tư duy, lương tâm của người lớn, của người thầy.

"Giáo dục là để giúp học trò vượt khó, giúp các em tự tin vào bản thân chứ không phải để đẩy các em vào hố sâu của sự tự ti, tủi hờn vì hoàn cảnh", ông Trung nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm