Tìm trường tốt nhất nước Mỹ
Tháng 9 vừa qua, tuần báo US News and World Report của Mỹ công bố <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/10/81261.vip">phân loại các trường đại học của Mỹ</a> cho năm 2006. Đánh giá này rất có giá trị và là công cụ tìm kiếm trường học phù hợp của sinh viên Mỹ và các nước.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn với PGS-TS Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu vực của Seameo tại Việt Nam về đánh giá này.
Thông tin tuần báo Mỹ US News and World Report xuất bản số đặc biệt về phân loại các trường đại học của Mỹ cho năm 2006 đang được nhiều người quan tâm. Theo ông, phân loại này có giá trị ra sao?
Tuy không phải là một đơn vị giáo dục nhưng những đánh giá của tuần báo này rất có giá trị. Thể hiện qua các điểm sau: Việc nghiên cứu, phân loại dựa vào các tổ chức giáo dục có uy tín và bảng tự đánh giá trường mình, trường khác (nếu biết) của 1.800 hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng tuyển sinh các trường đại học. Và có đến 1.400 trường kiểm định (accredited institutions) tham gia đánh giá.
Khác với phân loại 500 trường đại học tốt nhất thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải công bố năm 2004, chủ yếu đánh giá trên tiêu chí nghiên cứu khoa học của các trường, phân loại của tuần báo này đánh giá khá toàn diện các mặt: nghiên cứu khoa học, giảng dạy, phục vụ cộng đồng, đóng góp của cựu sinh viên, đánh giá sinh viên, đánh giá giảng viên một cách khoa học… Việc đánh giá hàng năm này đã được tiến hành trên 10 năm nay.
Vì thế, sinh viên Mỹ và các nước thường dựa vào các đánh giá này để xem xét và chọn lựa trường học phù hợp năng lực, nguyện vọng.
Cụ thể hơn, sinh viên tìm được thông tin gì từ phân loại này?
Tài liệu phân loại này cung cấp nhiều thông tin về loại trường để sinh viên tìm trường phù hợp với mình. Ví dụ: Trường nghiên cứu cấp quốc gia, trường đào tạo đa ngành đến bậc thạc sĩ, trường cấp vùng…
Trong đó, có xếp hạng tốp 51 trường đại học tốt nhất nước Mỹ dựa vào các tiêu chí đánh giá: Khả năng lưu giữ sinh viên sau năm thứ nhất, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, nguồn lực giảng viên (tính theo tỷ lệ lớp dưới 20 sinh viên, dưới 50 sinh viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên), tỷ lệ giảng viên cơ hữu; tỷ lệ tuyển chọn đầu vào, số học sinh giỏi bậc phổ thông trúng tuyển vào trường, tỷ lệ học sinh dự tuyển được chấp học vào học, nguồn lực tài chánh (huy động đóng góp từ bên ngoài), tỷ lệ cựu sinh viên tham gia đóng góp cho trường (sự hài lòng của cựu sinh viên đối với trường, sẵn sàng quay lại đóng góp)… Điểm để xếp hạng là trung bình cộng điểm các tiêu chí đánh giá kể trên.
Ngoài ra, tài liệu này còn cung cấp các thông tin cần thiết của 1.400 trường.
Có phải trường càng tốt thì học phí càng cao?
Xếp hạng tốp 51 trường tốt nhất không có tiêu chí về học phí. Tuy nhiên, trong phần cung cấp thông tin về 1.400 trường có đến 13 nội dung cần thiết và có cả học phí để người học tham khảo. Đó là: địa chỉ trường; xếp loại; trang web; liên hệ ghi danh; trường công hay tư, có liên quan đến tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo; nơi trú đóng; loại bằng cấp; tỷ lệ chấp nhận học sinh dự tuyển; thời gian tuyển sinh; thành phần sinh viên theo học; ngành được nhiều người học; học phí, chi phí ăn ở; hỗ trợ tài chánh. Các thông tin này có thể tìm qua trang web: www.usnews.com.
Hiện nay, có những kênh thông tin nào giúp tìm hiểu về các trường đại học của Mỹ?
Thứ nhất, tìm các thông số về trường qua trang web. Thứ hai, qua tổ chức kiểm định (www.chea.org). Thứ ba, qua cựu sinh viên. Thứ tư: Phòng thông tin văn hóa của Đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán Mỹ. Thứ năm, qua Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE). Thứ sáu, qua Thư viện lưu trữ của Trung tâm Đào tạo Khu vực của Seameo tại Việt Nam.
Thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ, năm học 2004-2005, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ là 3.165 người, tăng hơn 16% so năm học trước, cho thấy nhu cầu du học Mỹ ngày càng cao. Ông có lời khuyên gì với học sinh trong việc chọn trường ?
Có 7 vấn đề, học sinh cần xem xét: Trường có sinh viên quốc tế nhiều không (nếu đông thì tinh thần quốc tế trong trường thường mạnh hơn, cởi mở hơn và quan tâm, hỗ trợ nhiều đối với du học sinh); ngành học có được chuyển đổi linh hoạt không; sĩ số lớp đông không; trường ở khu đô thị hay ngoại ô (trường ngoại ô điều kiện học tập thuận tiện hơn, không bị chi phối bởi thú vui thành phố); hệ thống phục vụ sinh viên tốt không; giá cả sinh hoạt, học phí; trong trường có thể tìm được việc làm thêm để hỗ trợ học phí… Cần lưu ý là nếu trường nào không có kiểm định thì không theo học (xem trang web về kiểm định nêu trên.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị