Tìm nhân viên "không đi trễ" khó hơn tuyển bằng giỏi

Hoài Nam

(Dân trí) - Một siêu thị bán lẻ ở TPHCM tuyển nhân viên với duy nhất một tiêu chí bắt buộc: "Không đi trễ". Theo họ, tiêu chí này hiện nay còn khó hơn tìm ứng viên tốt nghiệp loại giỏi.

Mới đây, siêu thị này đăng tuyển người ở nhiều vị trí từ nhân viên kiểm hàng, thu ngân, giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, giám sát với mức lương khởi điểm từ 8-12 triệu đồng, tùy vị trí.  

Đáng chú ý các yêu cầu cơ bản như bằng cấp, độ tuổi, kinh nghiệm... nhà tuyển dụng đều có thể linh hoạt, không bắt buộc. Tuy nhiên, họ đưa ra một tiêu chí nhất định phải có ở ứng viên: Không được đi trễ.  

Tìm nhân viên không đi trễ khó hơn tuyển bằng giỏi - 1

(Ảnh minh họa)

"Thế nhưng, ngay trong đợt phỏng vấn, chúng tôi tính có đến gần một nửa số ứng viên đến trễ so với giờ hẹn. Tuy đang rất cần người nhưng chúng tôi từ chối phỏng vấn những ứng viên này", anh Lê Mạnh Đào, quản lý tại siêu thị này cho biết. 

Anh cũng thông tin, trước đây, nhiều người vào làm nhưng phải nghỉ việc ngay sau vài hôm vì đi trễ. 

Theo anh Đào, chưa nói đến những vấn đề chuyên nghiệp cao siêu, đi đúng giờ không chỉ là nguyên tắc làm việc cơ bản mà còn là thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người. 

Ban giám đốc ở công ty anh cùng thống nhất, ai không thể đảm bảo được nguyên tắc này thì không nên làm mất thời gian của nhau. Họ đặt ra kỷ luật, trước hết để chính các sếp cũng phải nghiêm túc.

Ai trễ sau vài lần không thỏa đáng bị ảnh hưởng đến phụ cấp chuyên cần, xếp loại, có trường hợp không khắc phục buộc phải nghỉ việc. 

Căn bệnh nan y 

Chuyện đi trễ, nhất là trong công việc có thể nói là căn bệnh nan y đối với lao động ở Việt Nam. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng mọi người, thiếu chuyên nghiệp trong công việc, kéo theo nhiều ảnh hưởng đến tập thể, thiệt hại về kinh tế. 

Tuy nhiên, đi trễ được nhiều người xem như là thứ văn hóa, là chuyện bình thường thế thôi. 

Chị Thể Uyên, giám đốc công ty truyền thông D. ở Gò Vấp, TPHCM cho biết, mới đây, chị thật sự nổi khùng khi thấy bị tổn thương sâu sắc vì thói đi trễ của một số nhân viên. Từ giờ làm đến giờ họp, có khi một vài người đúng giờ lại phải ngồi chờ số đông đi trễ. 

Tìm nhân viên không đi trễ khó hơn tuyển bằng giỏi - 2

Những người đúng giờ mệt mỏi vì thói đi trễ của người lao động (Ảnh minh họa)

Người đi trễ có vô vàn lý do như kẹt xe, xe hỏng, ngủ quên, con ốm... Tuy nhiên, theo chị Uyên, lý do lớn nhất là chính tâm lý họ cho đi trễ là chuyện hiển nhiên.

Có nhân viên đã đến giờ họp, giờ làm, nhìn đồng hồ nhưng vẫn đủng đỉnh ngồi ở quán cà phê thêm vài phút nữa, trễ mới vào, chờ mọi người vào trước mình mới vào. 

Có lần, ê kíp của chị có cuộc hẹn trao đổi với khách hàng. Cậu phó phòng ê chề khi gặp đối tác, phải xin lỗi họ rối rít khi đội mình còn thiếu người. Cô nữ nhân viên cầm tài liệu mà nửa tiếng sau mới có mặt. 

Sau đó, Uyên thể hiện không hài lòng thì cô gái hồn nhiên: "Em trễ chưa đến 30 phút hà, em không nghĩ mọi người lại đến đúng giờ vậy". 

Đến độ, văn hóa đi trễ ăn sâu trong hành xử của người lao động đến độ những người đúng giờ, để tránh ức chế, mệt mỏi đành phải tìm phương án dự phòng. Có người mang theo sách để học hay tranh thủ làm việc khác trong khi chờ người đến trễ. 

Nhiều sự kiện, cuộc họp thông báo 2h thì đến 3h vẫn chưa thể bắt đầu vì chưa có người. Thời gian cho nội dung chính cuối cùng lại phải gấp gáp, nhồi nhét cho xong. 

Nhiều lao động xem đi trễ là chuyện thường đến mức, công ty nào có chế tài, kỷ luật về việc đi trễ liền bị chê "làm dữ". Có nơi quản lý bằng máy chấm công vân tay có thể tẩy chay, chê khó đủ kiểu. 

Việc đúng giờ chưa thật sự được từng người lao động coi trọng, nhiều doanh nghiệp, công ty phải nói là bất lực trước vấn nạn này. Người này trễ, người kia trễ kéo theo cách hành xử vô hình, ai cũng trong tâm lý chờ đợi, chờ người khác đến trước. 

Trong khi đúng giờ là nguyên tắc cơ bản tối thiểu thể hiện sự chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý thời gian, công việc cũng như thái độ tôn trọng người khác. Những phẩm chất cần thiết của của người lao. 

Anh Lê Mạnh Đào cho biết, tìm nhân sự đáp ứng tiêu chí "không đi trễ" bây giờ còn khó hơn tiêu chí bằng giỏi, có kinh nghiệm này nọ. 

Khi việc đi trễ trở thành việc phổ biến, đưa ra yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ khó tuyển người hơn, có thể mất cơ hội tuyển người giỏi. Nhưng một số nơi chấp nhận để đảm bảo tính kỷ luật trong lao động, thứ phải nói là hạn chế lớn nhất của lao động Việt.