Tiết học đầu năm ở một lớp học “ồn ào”
(Dân trí) - Thoải mái nói, thảo luận với bạn bè, giáo viên để bài học được nhớ lâu và kỹ hơn, ngồi trong không gian từng nhóm 4 người như kiểu học phương Tây… là những gì diễn ra tại lớp học theo mô hình “Trường học mới”.
Được áp dụng từ năm học 2012-2013 vừa qua tại 9 trường tiểu học ở huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế, mô hình “Trường học mới” của Bộ GD-ĐT đang tạo ra những chuyển biến mới với nhiều tích cực. Học sinh (HS) được đặt vào vị trí trung tâm, giáo viên (GV) chuyển từ việc truyền thụ kiến thức cho HS sang hướng dẫn các em tự học.
Có mặt tại trường Tiểu học Hương Long (TP Huế) sau ngày khai giảng năm học mới khi các em HS trường này đang say sưa học bài theo kiểu mới này, chúng tôi không quá khó để nhận thấy sự khác biệt là tiếng HS phát ra từ lớp to, ồn hơn những trường dạy theo kiểu truyền thống.
Bàn ghế trong lớp học được xếp theo từng cụm. Học sinh thoải mái học và trao đổi với bạn .
Tại lớp 2/1, HS được chia thành từng nhóm 4 em. GV hướng dẫn HS vất vả hơn khi phải đến từng bàn để kiểm tra từng phần đã hoàn thành của HS. Nhóm trưởng của từng nhóm cũng thể hiện vai trò “thủ lĩnh”, chỉ đạo và nhắc nhở các bạn trong nhóm mình học tích cực. Sự cạnh tranh, ganh đua vị thứ của các nhóm trong từng bài học được đẩy lên cao, vì đây là một trong những yếu tố đóng góp vào học lực cuối năm.
Theo NGƯT. Võ Văn Việt - Hiệu trưởng Tiểu học Hương Long, việc áp dụng thử nghiệm mô hình “Trường học mới” được thực hiện tại trường từ năm ngoái. Có nhiều mặt thuận lợi như GV được tập huấn dạy kiểu mới kỹ càng, cơ sở vật chất được tăng cường. Vì sách giáo khoa cùng nội dung với chương trình thông thường, chỉ khác cách học nên kiến thức các em vẫn đảm bảo. Số HS khá giỏi lớp 2, lớp 3 tăng và số HS yếu giảm so qua 1 năm học. Nhiều HS rất thích, hào hứng khi lên lớp vì được tự khám phá. Nhiều em trước đây nhút nhát nay đã mạnh dạn, tự tin hơn. Và nhất là các em đã chủ động trong học tập, yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Video lớp học theo mô hình "Trường học mới":
Tuy nhiên, có các khó khăn như tâm lý phụ huynh hoang mang, lo lắng vì không biết khi theo học mô hình mới mẻ này, con mình có thích nghi được không? Phòng học hẹp mà số lượng HS đông nên hạn chế đến việc thiết kế không gian lớp học và sắp xếp bàn ghế các nhóm. Thiết bị và phương tiện dạy chưa đáp ứng nhu cầu dạy học nên ảnh hưởng rất lớn đến thời gian của GV do phải đầu tư cho tiết dạy như làm đồ dùng dạy trước đây chỉ 1 thì nay lớp có bao nhiêu nhóm, GV phải làm bấy nhiêu đồ dùng. Và phương pháp dạy học, cách đánh giá hoàn toàn mới nên GV và HS gặp không ít khó khăn khi thực hiện. Một số HS vẫn ỷ lại tập thể nhóm - sự theo dõi của nhóm trưởng về tiến độ học của các thành viên còn hạn chế nên làm sự trợ giúp của GV trong từng tiết học chưa kịp thời... Xem xét những điều này, các nhà giáo dục có thể rút kinh nghiệm để những năm tới, chất lượng mô hình này sẽ tốt hơn.
Video ý kiến của giáo viên Trường Tiểu học Hương Long:
Tính chủ động của HS được tăng cao khi học theo mô hình mới này
HS giơ biểu tượng mặt cười lên khi hoàn thành xong mỗi phần bài
Được bắt đầu từ lớp 2 đã làm cho các em bạo dạn hơn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng khối lớp này còn nhỏ, chưa phù hợp
Biện pháp với những HS chưa thật chú ý là trưởng nhóm phải thật nghiêm khắc.
Đại Dương