“Sức sống” từ mô hình trường tiểu học mới

(Dân trí) - Xóa bỏ những bất cập của cách dạy truyền thống, mô hình trường tiểu học mới mà Bộ GD-ĐT đang thí điểm ở 63 tỉnh thành đang phát huy được những thế mạnh tích cực. Cả thầy và trò, thậm chí là cả phụ huynh đều hào hứng tham gia mô hình học này.

Tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, từ khi được Bộ GD-ĐT đồng ý cho triển khai thí điểm mô hình trường tiểu học mới, giáo dục ở đây đã có thay đổi rõ rệt. Học sinh (HS) tự tin, mạnh dạn hơn khi đến trường. Điều đó không chỉ được giáo viên khẳng định mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng cảm nhận được sự thay đổi này.

Không quá quan trọng đến việc cơ sở thiết bị trường học như thế nào, chỉ cần có một diện tích phù hợp kết hợp với các góc trang trí để cho lớp học thân thiện hơn là có thể dễ dàng tổ chức mô hình trường tiểu học mới.
 
 

Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Theo mô hình của trường học mới, quản lí lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do HS tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. “Hội đồng tự quản học sinh” là một biện pháp giúp HS được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. HS có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Điều đặc biệt hơn cả ở mô hình này đó là ngay ở trong lớp học đã hình thành những hoạt đồng gần gũi với học như như Góc khoa học, Góc chia sẻ, Điều em muốn nói… Thông qua những góc hoạt động này, giáo viên (GV) có thể dễ dàng nắm bắt được tâm lý của các em để có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời.

Theo anh Đặng Nhật Hoàng - phụ huynh có con học ở trường tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum (trường đã thực hiện mô hình trường tiểu học mới được 2 năm) chia sẻ: “Lúc đầu cho theo học mô hình này tôi cũng thấy lo lắng nhưng sau một thời gian thì hoàn toàn yên tâm. Bản thân tôi thấy con mình tự học cùng với gia đình, cháu có tính sáng tạo hơn, tự phát minh ra nhiều thứ”

Còn chị Y Xuyên - người dân tộc Giơ Ngao có con học tại trường tiểu học Lê Văn Tám, huyện Đắk Hà, Kon Tum cũng cảm thấy sự khác biệt rõ rệt khi cho con theo học mô hình này.

“ Từ khi có mô hình trường học mới con của tôi đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với các năm học trước. Chiều cháu đi học về thì tự có ý thức học bài, cháu học tự tin và mạnh dạn hơn” - chị Y Xuyên chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt - GV đang dạy điểm trường tiểu học Lê Văn Tám, nơi mà còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như phần lớn là HS người dân tộc tâm sự: “Từ khi triển khai mô hình này, tôi thấy sự tiến bộ rõ rệt đối với học sinh đó là các em mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập. Việc tiếp xúc với bạn bè, thầy cô cũng như tham gia các hoạt động của lớp đã có nhiều sự thay đổi”.

Điều dễ nhận thấy ở một tiết học của mô hình trường tiểu học mới đó là học không khí lớp học rất sôi nổi. Việc trao đổi giữa HS và GV tỏ ra đơn giản và thường xuyên; các em HS được chia thành các nhóm nhỏ để cùng học, khi có gì khó không thể giải đáp được, HS sẽ yêu cầu sự trợ giúp từ GV bằng cách sử dụng thẻ đỏ cứu trợ.

Sự phân công công việc trong một nhóm rất rõ ràng, mỗi người một nhiệm vụ, những HS yếu cũng được tham gia và bình đẳng như các bạn khác trong nhóm. Điểm khác biệt lớn nhất là trước kia để đánh giá được mức độ hiểu bài của HS sau mỗi tiết học, cô giáo cũng chỉ có thể kiểm tra một vài HS thì ở mô hình này, tất cả các học sinh đều được các bạn khác trong nhóm, thậm chí là các thành viên nhóm khác kiểm tra nên không xảy ra tình trạng “giấu dốt”.

Với cách thức hoạt động như vậy nên vai trò của GV trong lớp học chỉ là định hướng và theo dõi hoạt động nhóm của HS. Khi phát hiện có nhóm cần sự trợ giúp thì lúc đó GV mới tham gia hướng dẫn. Nói một cách khác là GV gần như là giao lớp học cho chính các em HS tự quản.

Sự thành công của mô hình tiểu học mới hiện nay cũng xuất phát từ việc thay đổi cách viết chương trình sách giáo khoa. Toàn bộ các trường thí sinh mô hình trường tiểu học mới đều sử dụng một bộ sách riêng. Nội dung sách bám sát chương trình đặt ra nhưng cách viết thì lại khác, nó là sự tích hợp của sách giáo khoa truyền thống kết hợp với sách hướng dẫn GV soạn bài. Tất nhiên cách viết phải gần gũi và dễ hiểu để cho HS tiểu học có thể tự đọc và nghiên cứu.

Với mục tiêu như vậy nên trường tiểu học mới chỉ áp dụng cho lớp 2 trở lên vì điều kiện đầu tiên để thực hiện được là HS phải đọc thông, viết thạo. Chính vì thế, hiệu quả của mô hình sẽ có sự “chênh lệnh” khi khả năng học tiếng Việt của HS lớp 1 ở mỗi vùng miền là khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT đang khuyến khích các địa phương có điều kiện thì tiếp cận giảng dạy công nghệ tiếng Việt lớp 1 để tăng cường khả năng đọc thông, viết thạo của HS.

Theo bà Đặng Thị Phương Nga - Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Yên Bái thì việc khó khăn nhất khi triển khai mô hình là nhận thức của GV đang từ thói quen truyền thụ kiến thức một chiều chuyển sang tổ chức các hoạt động lấy HS làm trung tâm.

Hiện nay với việc ở thành phố lớn thì sĩ số lớp khá cao. Vậy mô hình trường tiểu học mới có thể áp dụng đối với những lớp học đông như vậy? Câu trả lời sẽ được chúng tôi làm sáng tỏ trong bài tiếp theo khi ghi nhận bằng hình ảnh một tiết học mô hình trường tiểu học mới của HS thủ đô Hà Nội. Hiện nay địa phương này đã cho phép gần 50 trường tiểu học tham gia thí điểm. Rất nhiều các trường khác muốn tham gia nhưng do diện tích lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu để bố trí các góc hoạt động, vui chơi… nên tạm thời chưa được Sở GD-ĐT Hà Nội đồng ý.
 
Nguyễn Hùng