Tiết dạy đầu đời của cô giáo luôn là người "chào học sinh" trước

(Dân trí) - Ở tuổi 21, bén duyên một cách bất ngờ với ngôi trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu ở quận 10 - TP.Hồ Chí Minh, cô giáo Phạm Thu Thanh (sinh năm 1987) chưa được chuẩn bị tâm lý, gia đình lại không ủng hộ nên từng có ý nghĩ bỏ cuộc. Nhưng tiết dạy đầu đời đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và hành động của cô giáo trẻ.

Cô giáo luôn là người chào các em trước

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Địa lý trường CĐ Sư phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn), Phạm Thu Thanh đã làm hồ sơ xét tuyển công chức như bao bạn sinh viên cùng lứa ra trường khác. Cơ duyên bất ngờ khi cô là người hiếm hoi trong đợt nhận quyết định về trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Ở đây, bên cạnh dạy Địa lý cho học sinh khiếm thị THCS, chị Thanh còn được phân công dạy cho học sinh khiếm thị đa tật (trẻ có từ 2 dạng tật trở lên: vừa mù, vừa điếc; vừa mù vừa rối loại hành vi, tự kỷ,…).

Không có một khái niệm, kỹ năng, chưa được chuẩn bị tâm lý trước khi đến nhận công tác, hàng chục câu hỏi được đặt ra cho cô giáo trẻ, nhưng không biết tìm đâu ra câu trả lời và khó thổ lộ cùng người thân: Học sinh khiếm thị học như thế nào? Dùng phương pháp, kỹ năng, hình thức gì để tổ chức lớp học? Đặc thù của môn Địa lý là sử dụng bản đồ, lược đồ, sơ đồ và vẽ biểu đồ, vậy làm sao để dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh? Đánh giá ra sao? Chữ nổi là gì?...

Nhưng tuần đầu đi dạy với tiết học đáng nhớ đã đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và hành động của bản thân, giúp Thanh can đảm và nhiệt huyết với con đường nhiều thử thách, chông gai phía trước – mà đến giờ cô đã gắn bó tròn 10 năm.

Cô Thanh xúc động kể: "Vào tiết dạy thứ 2 của tuần đầu tiên khi, tôi dạy địa lý tại trường. Đây là tiết Địa lý lớp 8, sau giờ chuyển tiết, tôi đã di chuyển qua lớp 8, chuông cũng đã reo. Trong lớp, các em cứ nói chuyện, không quan tâm, để ý đến sự xuất hiện của cô giáo mặc dù tôi đã nhẹ nhàng đứng ở bàn giáo viên, giương mắt nhìn các em. Sau khi tôi ho 1 tiếng, lớp bắt đầu yên lặng và đứng lên chào tôi.

Cô giáo Phạm Thu Thanh (trái) – giáo viên trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.Hồ Chí Minh.
Cô giáo Phạm Thu Thanh (trái) – giáo viên trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.Hồ Chí Minh.

Lúc đó, tôi không hiểu tại sao, trong đầu nảy ra ý nghĩ chắc các em không tôn trọng giáo viên nên mới thế. Tôi đã dùng 10 phút đầu giờ, thay vì giới thiệu làm quen, tôi đã nghiêm giọng và giáo huấn các em trước khi bắt đầu tiết học. Học sinh đứng nghe cô nói thao thao bất tuyệt, không lời giải thích, không ai dám nhúc nhích. Giờ ra chơi, bước theo sau một vài em ở lớp 8 xuống cầu thang, tôi đã nghe câu chuyện của các em: “Không biết cô giáo này có bị gì không? Tụi mình đâu thấy đường mà cô bước vô lại không tiết động, như ma ấy. Ai biết đâu được mà chào, tự nhiên cô chửi tụi mình tới tấp”.

“Tiết sau đó, tôi đến lớp, chào các em trước và cũng không quên xin lỗi lớp. Kể từ đó, khi lên lớp dạy, tôi luôn là người chào các em trước, luôn tạo ra câu hỏi để hiểu mong muốn của học sinh, cho cơ hội học sinh được nói, giãi bày; khi giải quyết vấn đề, tôi thường đưa cho học sinh từ 2 lựa chọn”, cô chia sẻ.

Mong cộng đồng có cái nhìn thấu hiểu với đối tượng học sinh khuyết tật

Cô Thanh tâm sự, cảm giác thời gian đầu khi trở thành cô giáo dạy các em khiếm thị là bỡ ngỡ, lo sợ, bất lực... Sau này, được tiếp cận đối tượng học sinh khuyết tật nặng hơn (đa tật), chị lại có cảm giác khát khao muốn tìm mọi cách, mọi phương pháp, tham gia mọi lớp tập huấn dạy trẻ khiếm thị đa tật của các chuyên gia nước ngoài: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan… tổ chức tại đơn vị, hay các lớp tập huấn tại nước ngoài.

Với cô giáo Thanh, các học sinh khiếm thị, đa tật là những người tình cảm, có động lực sống, học tập và vươn lên rất lớn. Đó là động lực lớn nhất khiến chị quyết tâm gắn bó với con đường đã chọn. "Chính bản thân tôi và các đồng nghiệp đã học từ các em rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi còn đem học sinh của mình làm những câu chuyện kể cho con, cháu, bạn bè cùng nghe và hiểu", chị nói.

Thời gian đầu, Thu Thanh đã khá vất vả để thuyết phục gia đình khi trở thành giáo viên dạy trẻ khiếm thị. Nhưng sau này, gia đình dần hiểu và đã hỗ trợ tối đa để cô yên tâm công tác.


Hiện, cô Thanh là giáo viên dạy Địa lý cho học sinh khiếm thị và khiếm thị đa tật.

Hiện, cô Thanh là giáo viên dạy Địa lý cho học sinh khiếm thị và khiếm thị đa tật.

“Tôi may mắn khi gặp được người bạn đời thấu hiểu công việc của tôi, anh ấy sẵn sàng chăm sóc con, nhà cửa khi tôi có công tác. Tôi càng may mắn khi được làm việc trong môi trường cởi mở, với cấp trên quan tâm và những đồng nghiệp tử tế. Họ tử tế trong công tác – luôn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, với kiến thức thực tiễn. Họ tử tế trong cuộc sống hàng ngày - luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng. Họ tử tế trong việc luôn ưu ái các giáo viên trẻ để những người này phát huy hết mọi khả năng nhằm giáo dục tốt nhất cho học sinh khiếm thị, khiếm thị đa tật", cô giáo Thanh tâm sự.

Bằng tâm huyết với nghề, nhà giáo trẻ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy. Để giúp học sinh tiếp thu tốt nhất, cô Thanh làm lược đồ nổi về Vị trí và hình dạng của lãnh thổ Việt Nam; sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để dạy Địa lý 9, tạo cơ hội để tiếp xúc những ước mơ của học sinh, đó là trở thành hướng dẫn viên du lịch, phát thanh viên...; tham gia xây dựng các hoạt động chức năng (đây được coi là nội dung để dạy trẻ đa tật).

Ngoài ra, chị là thành viên tích cực của nhóm viết chương trình kỹ năng (chương trình dạy cho trẻ đa tật, tập trung dạy và phát triển kỹ năng với mục tiêu cơ bản nhất là tự phục vụ bản thân, gia đình và nếu có điều kiện sẽ làm việc ở cộng đồng). Chương trình được thực với mục tiêu đồng tâm phát triển. Ngoài ra, cô và các đồng nghiệp đang thực hiện bộ sách hướng dẫn dạy và học các hoạt động chức năng; tạo ra dụng cụ hỗ trợ người khiếm thị nhận biết mệnh giá tiền Polymer.

Tiết dạy đầu đời của cô giáo luôn là người "chào học sinh" trước - 4

Với những nỗ lực xuất sắc, cô giáo Phạm Thu Thanh đã gặt hái về nhiều thành tích trong sự nghiệp "trồng người": Đạt giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.Hồ Chí Minh 3 năm liên tiếp 2011 -2015; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh năm 2009 về thành tích xuất sắc đạt Huy chương vàng tại Hội thao Học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ III; Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn năm 2013 về hoàn thành xuất sắc công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2012 - 2013; Giấy khen của BCH Đảng Bộ Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh năm 2012 về cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012; Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2010 - 2016.

Năm 2018, cô Phạm Thu Thanh là một trong số 48 giáo viên vinh dự được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng bằng khen vì có nhiếu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục học sinh khuyết tật.

Cô giáo Phạm Thu Thanh chia sẻ về khó khăn trong giáo dục học sinh khuyết tật (Clip: Lệ Thu).

Ước mong lớn nhất của chị trong cuộc đời nghề giáo của cô Thanh là tất cả học sinh, khuyết tật hay không khuyết tật, mức độ nặng hay nhẹ đều được tiếp cận giáo dục; có đầy đủ phương tiện để phục vụ cho việc dạy và học.

Bên cạnh đó, cộng đồng có cái nhìn thấu hiểu với đối tượng học sinh khuyết tật vì đó là nền tảng để giúp quá trình hòa nhập của các em khi tốt nghiệp, thực hiện các chính sách cho giáo viên; Nhà nước có những chính sách hỗ trợ chi tiết để chăm sóc đời sống cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật, giáo viên là người khuyết tật. Giáo viên tương lai ở các trường sư phạm (trừ ngành giáo dục đặc biệt) được tiếp cận với bộ môn giáo dục hòa nhập, kỹ năng hay phương pháp để dạy học sinh khuyết tật hòa nhập.

Ước mơ cho riêng mình, chị Thanh nói: “Tôi ước có điều kiện để tiếp tục học tiếng Anh. Bởi vì, hầu hết các tài liệu dạy trẻ đa tật đều là tài liệu tiếng Anh, được chia sẻ từ các chuyên gia nước ngoài. Ở Việt Nam, vấn đề về tiếp nhận và dạy trẻ đa tật nói chung hay khiếm thị đa tật nói riêng còn hạn chế”.


Ước mong lớn nhất của cô Thanh là tất cả học sinh, khuyết tật hay không khuyết tật, mức độ nặng hay nhẹ đều được tiếp cận giáo dục.

Ước mong lớn nhất của cô Thanh là tất cả học sinh, khuyết tật hay không khuyết tật, mức độ nặng hay nhẹ đều được tiếp cận giáo dục.

Theo cô Thanh, điều quan trọng đối với người giáo viên cần có là 3 chữ Tâm - Tầm - Tài.

Chữ Tâm để luôn quan tâm đến từng đối tượng học sinh, ưu tiên những học sinh khó khăn, khiếm khuyết. Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm đến bản thân mình, quan trọng nhất là phải tìm ra được niềm vui trong công việc, để tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ, nhiệt huyết, không ngại khó, dám nghĩ dám làm, dám nhận lỗi và sửa chữa. Giáo viên có chữ Tầm để nhận ra được niềm vui của trẻ khi đến trường là gì? Và tạo ra môi trường học tốt nhất để phát huy tối đa khả năng của trẻ.

Và không thể thiếu chữ "Tài", đầu tiên giáo viên phải năm vững kiến thức chuyên môn để đảm bảo khi truyền đạt không bị lệch và sai. Sau đó, không ngừng học tập để có những kỹ năng, phương pháp truyền tối ưu đến học sinh.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC