Bạn đọc viết:
Tiếng nói người trong cuộc: Giáo dục bao giờ hết bệnh thành tích?
(Dân trí) - Nhân đọc bài “Giáo viên bày binh bố trận kéo điểm học trò” của tác giả Hoài Nam mà tôi không khỏi buồn cho ngành mình đang dạy. Đây là những bức xúc của phần lớn giáo viên đứng lớp hiện giờ. Tất cả vì căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp nên tôi luôn nhận thấy những bất cập trong ngành giáo dục. Hàng năm, chỉ tiêu giao xuống trường luôn cao. Nhiều khi giáo viên bức xúc phản đối thì ban giám hiệu lại "đổ thừa" cho cấp trên giao thế. Cuối cùng thì giáo viên phải nhận thôi. Giáo viên thường đùa nhau mình bây giờ chẳng có quyền gì, phận là thiên lôi chỉ đâu thì đánh đó.
Cố giáo sư Văn Như Cương từng nói “Bệnh thành tích do thi đua mà ra” quả thực rất đúng. Bệnh hình thức trong giáo dục có thể hiểu như là thành tựu giáo dục được nâng cao hơn khả năng thực tế. Đây là căn bệnh của ngành giáo dục mà báo chí đã tốn không ít giấy mực để phản ánh, nhưng dường như nó ngày càng trở nên trầm trọng và khó có thuốc chữa.
Hàng năm, nếu thầy cô được phân công giảng dạy ở những lớp có học sinh khá giỏi nhiều còn đỡ, chứ chẳng may vào lớp có nhiều học yếu thì vô cùng buồn. Thầy cô đã hết sức cố gắng nhưng chất lượng vẫn không mấy khả quan. Tuy nhiên vì chỉ tiêu thi đua nên cứ phải đẩy các em lên. Ai đã từng dạy học sinh lớp 9 mới thấy những áp lực. Chỉ tiêu trường đưa ra hàng năm tốt nghiệp là 100%. Nhưng thực tế thì sao, nhiều em lười học, không học bài. Mà đề thi là của Phòng Giáo dục. Khỏi phải nói chúng ta cũng biết những trường đại trà thì sao đạt được chỉ tiêu. Thế là giáo viên đành phải nâng điểm cho học sinh.
Bây giờ nhiều em còn biết rằng nếu mình không học, nhưng cuối năm vẫn tốt nghiệp. Không học mà vẫn được lên lớp? Tất cả vì chỉ tiêu đưa ra phải cố gắng để hoàn thành. Bao nhiêu trách nhiệm lại đổ lên đầu giáo viên. Từ đó mà có hiện tượng thầy cô lơ đi cho học sinh quay cóp, hay thầy cô xếp chỗ kiểu “đôi bạn cùng tiến”…
Trong các trường học thì lúc nào cũng có những khẩu hiệu “Tiếp tục thực hiện cuộc vận động Hai không” của Bộ với 4 nội dung nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Nói không với vi phạm đạo dức nhà giáo và việc học sinh không đạt chuẩn lên lớp”. Tuy nhiên, thực tế thì ta đang làm hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu này.
Thực tế môi trường sư phạm cần trung thực nhưng “cực chẳng đã” mà giáo viên phải làm vậy thôi. Nếu ngành bỏ đi tiêu chí thi đua thì giáo viên đâu phải làm vậy. Chẳng hạn giáo viên dạy giỏi tâm huyết với nghề nhưng nguyên tắc quá thành ra không đủ chỉ tiêu. Khi họp thì ban giám hiệu lại nhắc đi nhắc lại trước hội đồng. Cuối cùng thì giáo viên đành làm trái mình để cho đủ chỉ tiêu.
Nhiều khi đi dạy bây giờ, vì chỉ tiêu mà giáo viên luôn cảm thấy áp lực. Chúng tôi không hiểu sao học sinh điểm kém mà giáo viên phải chịu trách nhiệm? Các em điểm kém vì nhiều nguyên nhân. Vậy thì cứ để vậy rồi chúng ta uốn nắn, phụ đạo thêm. Đằng ngày, ta cứ đẩy các em lên cho đủ chỉ tiêu.
Đây là một trong những lí do góp phần cho học sinh thêm hư. Những thầy cô dạy ở trường điểm thì áp lực chỉ tiêu càng lớn. Có những trường đầu năm Phòng giao chỉ tiêu là 60% học sinh khá giỏi. Vì vậy mà thành tích ngày càng ảo. Nhiều em bây giờ tỏ ra coi thường giáo viên, đôi khi các em cứ nghĩ thầy cô sợ mình. Trước đây học thật, thi thật mà lại hay. Nếu các em học yếu thì phải ở lại lớp hoặc ôn lại trong hè. Vậy mà vẫn chẳng sao, các em vẫn là những công dân tốt. Còn bây giờ thì thành tích báo cáo hay nhưng thực chất thì sao? Có lẽ nguyên do ai cũng thích thành tích cả, phụ huynh thích, các sếp thích... Nói chung ai cũng thích được khen nên mới khổ giáo viên như thế.
Thiết nghĩ đã đến lúc ngành Giáo dục cần phải chấn chỉnh lại công tác thi đua.Cần bỏ đi các tiêu chí thi đua không phù hợp. Chỉ có như vậy mới khắc phục được căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay.
LT
(Châu Thành, Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!