“Tiếng lòng trăn trở” của những nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân dịp 20/11
(Dân trí) - Dịp 20/11 này, các nhà giáo xuất sắc ở nhiều vùng miền tổ quốc bày tỏ mong muốn, nguyện vọng sâu thẳm của họ, từ thực tế gắn bó, hi sinh thầm lặng miệt mài vì sự nghiệp “trồng người”...
Từ miền Tây Bắc của Tổ quốc: “Mong Bộ Giáo dục quan tâm đến địa phương đặc thù”
Vượt 180km xuống thủ đô nhận Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT, cô giáo Muồi Chứ (giáo viên trường Tiểu học Pi Toong, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) nở nụ cười tươi rói nói: “Tôi rất vinh dự, xúc động!”.
Cô tâm sự, học sinh nơi đây đa phần là con của gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Thu nhập bình quân của mỗi người rất thấp 1,4 triệu đồng/ năm/ người.
Mặt khác, gia đình các em vẫn còn nhiều hủ tục, tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào người dân tộc Mông. Họ chỉ muốn cho con trai đi học, con gái cho ở nhà làm nương, lớn lên lập gia đình sớm.
Trăn trở trong quá trình công tác, cô đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã, nhà trường đến từng hộ gia đình vận động các em đi học đầy đủ, tuyên truyền để phụ huynh hiểu lợi ích khi các em đi học.
Thay mặt cho các giáo viên của tỉnh, cô Muồi Chứ bày tỏ: “Tôi mong muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT quan tâm đến địa phương của chúng tôi, một huyện đặc biệt khó khăn.
Tôi mong các cấp hỗ trợ về đường giao thông, cơ sở vật chất, tạo mọi điều kiện để các em học sinh ở phía Tây Bắc, vùng khó khăn đặc biệt của huyện Mường La có cơ hội đến trường đầy đủ, bớt vất vả.
Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để gieo những con chữ, tình yêu tri thức giúp chuẩn bị hành trang để những đứa trẻ dân tộc trở thành người có ích”.
Các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc chia sẻ trăn trở, mong muốn, kiến nghị đối với ngành Giáo dục
Cũng đến từ tỉnh Sơn La, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu (Giáo viên trường Mầm Non Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đã 23 năm “bám bản” vùng cao dạy học. Học sinh của cô Thu 100% là dân tộc H'Mông. Các con đi học “bữa đực, bữa cái” khiến công tác đến trường của thầy cô không dễ dàng.
“Ý thức rằng bậc học mầm non là khởi đầu, nền tảng của tất cả các cấp, bậc học sau này, thầy cô chúng tôi tích cực vận động thường xuyên, rất nhiều lần để các con đến trường”, cô Thu tâm sự.
“Giáo viên ở vùng cao đường sá đi lại rất vất vả, công tác chăm sóc giáo dục trẻ còn nhiều gặp khó khăn. Cá nhân mình mong muốn các cấp ban ngành có sự quan tâm đặc biệt và có chế độ ưu đãi hơn đối với giáo viên vùng cao để thầy cô ở vùng cao nói chung có được sự động viên kịp thời, yên tâm công tác", cô giáo mầm non vùng cao kiến nghị.
Đào tạo mũi nhọn: Khuyến khích, ưu đãi học sinh giỏi quốc gia/ quốc tế
Đến từ xứ Thanh – mảnh đất miền Trung hiếu học, Nhà giáo ưu tú Lê Văn Hoành (công tác tại trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) là người có học sinh đạt gần 100 giải quốc gia và 10 học sinh được huy chương quốc tế.
Thầy Hoành chia sẻ: “Tôi là một giáo viên 36 năm dạy chuyên Vật lý ở tỉnh Thanh Hóa. Trước hết tôi thấy sự quan tâm của tỉnh nhà, Sở Giáo dục và nhà trường rất tốt để đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Với tư cách một nhà giáo lão thành, thầy kiến nghị: “Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn đến vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, đối với đào tạo mũi nhọn, tôi kiến nghị lãnh đạo các cấp cần cho các em học sinh đạt giải Quốc gia từ Khuyến khích trở lên cũng xứng đáng được tuyển thẳng vào trường đại học mà các em mong muốn. Thực ra các em đạt giải Khuyến khích cũng rất giỏi và xứng đáng rồi.
Riêng về học sinh đi thi quốc tế, đó là sân chơi cực khó - cần có nhiều chính sách ưu tiên, quan tâm cho các em bởi "cuộc chiến" này cực kì gay go, đẳng cấp và “ngốn” nhiều thời gian của các em.
Thi cử có tính bền vững để học sinh và giáo viên không hoang mang
Từ miền Tây của Tổ quốc, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hoa (Trường THPT Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang giảng dạy lớp 12.
Bản thân nhà giáo không ngừng soi rọi lại những gì mình đã cống hiến cho ngành Giáo dục; đồng thời luôn cố gắng để đi hết quãng đường sự nghiệp giáo dục của mình.
Từ thực tế công tác, cô Tuyết Hoa mong: “Ngành Giáo dục ổn định hình thức thi cử cho học sinh THPT, hình thức thi quốc gia cần có tính bền vững để học sinh không bị hoang mang”.
Nhà giáo tiêu biểu chia sẻ thêm: “Bản thân tôi đang dạy học sinh lớp 12, đến giờ phút này tôi cảm thấy cũng có chút lo lắng cho học trò của mình. Bởi lẽ, theo định hướng của Bộ Giáo dục, năm 2019 thi tốt nghiệp THPT Quốc gia có thêm chương trình lớp 10.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đề minh họa nên học sinh và toàn thể giáo viên chúng tôi đang mong chờ. Thầy cô chúng tôi chắc chắn sẽ cố gắng hết mình để làm tốt nhiệm vụ, đưa học trò đến được trường đại học yêu thích”.
Giảm tải kiến thức hàn lâm, chú trọng giáo dục kỹ năng sống
Tại Thủ đô, cô giáo Nguyễn Thị Mai (Trưởng khoa khoa học cơ bản – Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) bày tỏ: “Thực ra mong muốn đối với ngành Giáo dục rất nhiều và tôi biết, xã hội cũng đặt kỳ vọng rất nhiều vào ngành Giáo dục.
Riêng cá nhân tôi mong muốn ngành Giáo dục giảm tải kiến thức hàn lâm sách vở, chú trọng tăng cường dạy kỹ năng sống cho các học sinh, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa vùng kém phát triển. Làm vậy để khi bước chân vào trường đại học, các em đã có sẵn một nền tảng, đỡ bỡ ngỡ dễ hòa nhập thích nghi, tránh cám dỗ của môi trường ở các thành phố lớn.
Như vậy, các tân sinh viên sẽ vững ý chí trau dồi kiến thức, kỹ năng để sau này ra trường có công ăn việc làm, phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Biên chế với giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ khuyết tật
Cô giáo Nông Thị Thảo Trang đang dạy tại (Trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Kạn) tâm sự, hiện nay đối với các trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật chuyên biệt, các trường chuyên biệt còn nhiều hạn chế.
“Với những trung tâm vùng sâu vùng xa thì vừa phải song hành vừa làm công tác giáo dục chuyên biệt vừa làm công tác hòa nhập thì càng khó khăn hơn. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hiện giờ, những trung tâm giáo dục chuyên biệt sẽ chuyển dần thành trường hòa nhập.
Vậy thì, các thầy cô đang kiêm hai công việc vừa dạy vừa đi làm hòa nhập, không có biên chế hòa nhập riêng. Tôi mong muốn, các cấp lãnh đạo sẽ có biên chế với giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ khuyết tật”.
Quan tâm đến học sinh có năng khiếu đặc biệt
Thầy giáo Đặng Trần Phú (Trưởng Bộ môn Sinh học tại trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) bày tỏ trăn trở về sự quan tâm của các cấp đối với học sinh có năng khiếu đặc biệt.
“Trăn trở lớn nhất của tôi đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đối với thế hệ học sinh có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hội họa, âm nhạc,…
Hiện nay, tôi thấy các em được học trong môi trường tốt, nhưng điều kiện để các em được học tập cũng còn nhiều hạn chế. Ví dụ, có rất nhiều em giỏi nhưng điều kiện tài chính không có, khoảng cách địa lý xa và để đến được trường chuyên học thì phải có sự đầu tư của gia đình. Nhưng điều đó hiện nay không có".
Theo thầy Phú, vấn đề của trường chuyên là chưa thu hút đủ các nhân tài của các em ở xa, điều kiện hoàn cảnh khó khăn.
"Tôi mong có một chế tài nhất định để thu hút và để các em năng khiếu bộc lộ tối đa tài năng của mình”, thầy chia sẻ.
Lệ Thu – Hồng Vân